Trung Quốc phát trực tiếp cảnh quay từ tàu ngầm lặn sâu Fendouzhe đỗ ở đáy rãnh Mariana hôm 20/11.
Tàu ngầm Fendouzhe lặn xuống độ sâu hơn 10.000m ở rãnh Mariana phía tây Thái Bình Dương với 3 nhà nghiên cứu trên tàu. Trước đó, rất ít người từng xuống tới đáy rãnh Mariana, vùng lõm hình trăng lưỡi liềm ở vỏ Trái đất dài hơn 2.550m. Video quay và truyền từ camera dưới biển sâu cho thấy tàu ngầm màu trắng và xanh di chuyển qua vùng nước sẫm màu bao quanh là trầm tích cuộn lên khi tàu chậm rãi đáp xuống đáy biển.
Tàu Fendouzhe ở rãnh Mariana. (Video: CGTN).
Tàu Fendouzhe thực hiện nhiều chuyến lặn trong thời gian gần đây. Hôm 10/11, tàu lập kỷ lục quốc gia về lặn sâu có người lái sau khi lặn xuống điểm sâu nhất ở rãnh Mariana (10.909m), chỉ kém một chút so với kỷ lục thế giới 10.927 m do một nhà thám hiểm Mỹ thiết lập năm 2019.
Tàu ngầm Fendouzhe trang bị cánh tay robot để thu thập mẫu vật sinh học và thiết bị sử dụng sóng âm để nhận dạng vật thể xung quanh. Tàu mang nhiều thiết bị đến mức các kỹ sư phải bổ sung phần nhô ra chứa vật liệu nổi giúp tàu giữ thăng bằng. Fendouzhe, tàu ngầm lặn sâu có người lái thứ ba do Trung Quốc chế tạo, đã quan sát nhiều loài và sự phân bố sinh vật sống ở đáy biển.
Áp suất nước ở đây gấp khoảng 1.000 lần áp suất khí quyển ở mực nước biển.
Áp suất nước ở đáy rãnh Mariana là 1,24 tấn trên mỗi centimet vuông, gấp khoảng 1.000 lần áp suất khí quyển ở mực nước biển. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy vùng nước tối đen ở rãnh dường như chứa đầy sự sống. Họ đang thu thập mẫu vật để tìm hiểu. Nghiên cứu trước đây phát hiện nhiều quần thể tổ chức sinh vật đơn bào sống sót nhờ chất thải hữu cơ lắng xuống đáy đại dương, nhưng có rất ít động vật lớn.
Fendouzhe được kỳ vọng sẽ lập ra tiêu chuẩn cho các tàu lặn sâu của Trung Quốc trong tương lai. "Chúng tôi cần tiến hành thêm hai thử nghiệm nữa trước khi gọi đây là thành công thực sự", Zhu Min, nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.