Người Ai Cập và Nubia cổ đại xây dựng mạng lưới đê đập rộng khắp trên sông Nile, giúp trồng hoa màu trên đất khai hoang mà không cần tưới tiêu.
Một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện mạng lưới đê đá khổng lồ dọc theo sông Nile ở Ai Cập và Sudan cho biết những con đê sông này hé lộ một dạng kỹ thuật thủy lực đặc biệt lâu đời tại thung lũng sông Nile và mối liên hệ giữa người Nubia và Ai Cập cổ đại. Những phát hiện từ Dự án nghiên cứu Tây Amara của Bảo tàng Anh được công bố trên tạp chí Geoarchaeology, Phys.org hôm 13/6 đưa tin.
Khai quật một con đê ở kênh dẫn nước khô cạn hé lộ lớp phù sa sông Nile dày tích tụ. (Ảnh: Đại học Tây Australia).
"Chúng tôi sử dụng ảnh vệ tinh, drone và khảo sát trên mặt đất, cũng như nguồn lịch sử, để xác định gần 1.300 đê sông giữa nam Ai Cập và Sudan", tiến sĩ Matthew Dalton ở Đại học Tây Australia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hàng trăm đê sông trong số này giờ đây chìm dưới hồ chứa nước đập Aswan. Nhiều đê sông khác nằm trên sa mạc, bên trong những kênh dẫn khô cạn. Các nhánh sông Nile ở Sudan có nhiều kênh dẫn và chúng bị khô cạn khi lưu lượng sông giảm do biến đổi khí hậu, theo giáo sư Jamie Woodward ở Đại học Manchester, đồng tác giả nghiên cứu.
Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật tìm niên đại bằng đồng vị carbon và phát quang để xác định một số đê ở kênh dẫn cổ đại được xây cách đây hơn 3.000 năm. Chúng giữ lại phù sa màu mỡ trong suốt mùa lũ hàng năm trên sông Nile, cho phép trồng hoa màu trên đất khai hoang này mà không cần tưới tiêu. Kỹ thuật thủy lực như vậy được tiến hành đầu tiên bởi cộng đồng Nubia bản xứ trong vùng cũng như cư dân ở những thị trấn hình thành sau này tại Ai Cập.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận dạng nhiều đê đá lớn ở sông Nile, một số dày tới 5m và dài 200m. Đó là những đập thấp dẫn hướng dòng chảy và hỗ trợ tàu thuyền đi qua khúc sông chảy siết. Theo Dalton, công trình đóng vai trò quan trọng giúp các cộng đồng phát triển thịnh vượng và trồng lương thực trong môi trường khắc nghiệt hàng nghìn năm trước.