Một giống lúa, từ khi còn ở trong phòng thí nghiệm cho đến lúc ra được ruộng đồng, phải mất thời gian 4-5 năm. Trong đó, khảo nghiệm giống là khâu cuối không thể thiếu của một chương trình lai tạo giống. Và sau khi được khảo nghiệm, công nhận, khâu nhân giống cũng quan trọng không kém.
Bên cạnh việc đầu tư cho khâu chọn tạo giống, Viện Lúa ĐBSCL rất chú trọng phát triển Chương trình Khảo nghiệm giống lúa và Bộ môn Công nghệ hạt giống để những giống lúa của Viện chất lượng hơn, “đi xa” hơn.
“Gạch nối” với thị trường
Vụ đông xuân năm 2006-2007 ở ĐBSCL, Chương trình Khảo nghiệm giống của Viện Lúa ĐBSCL đã tiến hành thí nghiệm tại 11 điểm ở 9 tỉnh, thành ĐBSCL: Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Bạc Liêu. Tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng Chương trình Khảo nghiệm giống, giải thích: “Khảo nghiệm là đánh giá tiềm năng năng suất, khả năng kháng sâu bệnh, phẩm chất hạt, tính ổn định và thích nghi của giống trên các điều kiện thâm canh khác nhau. Đây là cơ sở cho các nhà chọn tạo giống, cán bộ khuyến nông và nông dân có thể sử dụng giống hiệu quả hơn”. Qua khảo nghiệm, đánh giá giống, chương trình đã đưa ra kết luận về các giống tốt có thể đưa vào cơ cấu giống trong vụ hè thu năm 2007, gồm 11 giống cũ và 13 giống mới chống chịu được rầy nâu, bệnh vàng lùn. Ngoài ra, còn có 2 giống đặc sản, thơm nhẹ, chống chịu được bệnh vàng lùn là: OM 3536 và ST 5.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để phóng thích một giống lúa mới, phải có trên 10.000 ha trồng khảo nghiệm giống. Đây là bước thử thách để “đo lường” xem nông dân có chấp nhận giống mới hay không. Tiến sĩ Phạm Văn Dư nhấn mạnh: “Công tác khảo nghiệm giống rất quan trọng, vừa giúp cho nông dân có giống mới liên tục để sản xuất, vừa giúp cho các nhà lai tạo giống đánh giá và định hướng chương trình chọn tạo giống lúa. Qua đó, Viện cũng có cơ sở để có chiến lược chọn tạo giống phục vụ cho sản xuất lúa bền vững ở ĐBSCL”.
Bình quân mỗi năm, Viện Lúa ĐBSCL đưa ra khảo nghiệm 6 bộ giống ở 11 điểm vùng ĐBSCL, mỗi bộ giống gồm khoảng 10-15 giống. Qua khảo nghiệm, Viện xác định các giống thuộc bộ A0 rất được các tỉnh ưa chuộng bởi có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 85-90 ngày, thích hợp với cơ cấu tăng vụ, né lũ, né mặn. Bộ giống khó khăn, chịu phèn, mặn phù hợp với các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An lại ưa chuộng các giống trong bộ nếp và đặc sản. Tiến sĩ Lê Thị Dự nói: “Những thông tin này giúp Viện xác định giống cho cơ cấu mùa vụ các tỉnh ĐBSCL”. Theo tiến sĩ Dự, cán bộ khuyến nông, nông dân... ở các địa phương rất quan tâm đến phẩm chất hạt giống, đặc tính sâu bệnh. Giống tốt phải gắn với thị trường. Sắp tới, công tác khảo nghiệm sẽ chú trọng nhiều hơn đến phẩm chất hạt để tuyển chọn được những giống phù hợp với thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Nông dân đang đánh giá giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL.
(Ảnh của Viện Lúa ĐBSCL)
Nâng cao chất lượng hạt giống
Hiện nay, ở ĐBSCL, diện tích gieo trồng giống lúa xác nhận chiếm khoảng 25%-33% tổng diện tích trồng lúa. Viện Lúa ĐBSCL quyết tâm đưa con số này lên 40% vào năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, Viện phải tăng cường cung cấp giống siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho cơ sở sản xuất giống xác nhận ở các địa phương. Thạc sĩ Huỳnh Văn Nghiệp, phụ trách Bộ môn Công nghệ hạt giống, cho biết: “Nhu cầu giống của ĐBSCL rất lớn. Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL cung cấp trên 2.000 tấn giống các loại. Hiện nay, Viện đã ngưng cung cấp giống lúa xác nhận để tập trung cung cấp giống siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng”. Vụ đông xuân năm 2007, Viện lúa ĐBSCL sản xuất 23 tấn giống siêu nguyên chủng, 430 tấn giống nguyên chủng.
Không chỉ cung cấp giống, Bộ môn Công nghệ hạt giống còn thực hiện các nghiên cứu góp phần làm tăng chất lượng hạt giống. Đó là những nghiên cứu về các biện pháp để bảo quản, kéo dài “sức sống” của hạt giống, xử lý để hạn chế bệnh trên hạt giống… Thời gian qua, Bộ môn đã đề xuất một số giải pháp như: sử dụng hóa chất Carban để xử lý hạt giống; ngâm hạt giống trong thời gian ngắn vào dung dịch muối ăn 15% trước khi ngâm ủ để loại trừ những hạt lép lửng, mang mầm bệnh…
Theo Thạc sĩ Huỳnh Văn Nghiệp, vụ đông xuân cho chất lượng hạt lúa tốt hơn so với các vụ khác trong năm nên phải tìm cách bảo quản để có thể sử dụng lâu dài. Sắp tới, Bộ môn sẽ đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu biện pháp bảo quản tốt hạt giống. Đề tài này sẽ nghiên cứu sâu hơn về các bệnh nấm trên hạt, cường lực cây mạ sau thời gian tồn trữ hạt giống, một số hóa chất nhuộm, “áo” hạt để tăng hiệu quả bảo quản.
Trong việc tăng cường cung cấp giống siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng, Bộ môn Công nghệ hạt giống có thuận lợi hơn sau khi Viện Lúa ĐBSCL nhận được dự án phát triển giống lúa xuất khẩu do Cục Trồng trọt giao. Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của Viện, như: nhà kho, sân phơi, nhà máy sấy, đồng ruộng… để tiến hành nhân giống các cấp; trong đó, chủ yếu là giống gốc và giống siêu nguyên chủng.
Bộ môn cũng sẽ được đầu tư trên 2 tỉ đồng để thành lập phòng kiểm nghiệm hạt giống đạt chuẩn cấp ngành thay cho tình trạng hiện nay phải phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng phía Nam để kiểm định, kiểm nghiệm hạt giống. Thạc sĩ Huỳnh Văn Nghiệp nói: “Có phòng kiểm nghiệm hạt giống đạt chuẩn cấp ngành, Viện Lúa ĐBSCL sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc kiểm định, kiểm nghiệm, cấp chứng chỉ hạt giống cho Viện và một số địa phương xung quanh. Viện cung sẽ hợp tác với các địa phương để sản xuất giống với thương hiệu Viện Lúa ĐBSCL”.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khẳng định: “Viện Lúa ĐBSCL rất quan tâm đến công tác khảo nghiệm giống, nhân giống, nâng cao chất lượng hạt giống. Đây là những khâu rất quan trọng để sớm đưa những giống lúa mới, ưu việt đến với nông dân, làm tăng giá trị kinh tế hạt gạo, giúp đời sống của nông dân ĐBSCL khá hơn”. Chính vì vậy, Viện sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, tăng cường nguồn nhân lực cho Chương trình Khảo nghiệm giống cùng Bộ môn Công nghệ hạt giống để mở rộng các nội dung khảo nghiệm và nâng cao chất lượng hạt giống.
SỸ HUIÊN