Tượng điêu khắc 3.500 năm tuổi của nữ pharaoh Ai Cập

  •  
  • 277

Các chuyên gia tại Đại học Swansea tìm thấy hai mảnh đá vôi được cho là khắc hình khuôn mặt Hatshepsut, nữ pharaoh từng cai trị Ai Cập thời xưa.

Tiến sĩ Ken Griffin cùng các sinh viên phát hiện bức điêu khắc pharaoh Hatshepsut, một trong 5 nữ pharaoh từng cai trị Ai Cập, khi đang kiểm tra các đồ tạo tác tại Đại học Swansea, Fox News hôm 27/3 đưa tin. Bức điêu khắc gồm hai mảnh đá vôi gắn vào nhau và được bảo quản tại đây từ hàng chục năm trước.

Mặt trước (trái) và mặt sau (phải) của bức điêu khắc nữ pharaoh Hatshepsut.
Mặt trước (trái) và mặt sau (phải) của bức điêu khắc nữ pharaoh Hatshepsut. (Ảnh: BBC).

Griffin nhận thấy những đường nét trên vật thể này giống với những hình khắc trong một ngôi đền của Hatshepsut ở Deir el-Bahri, Luxor, Ai Cập. Mặt trước là hình đầu người bị thiếu phần mặt và một phần chiếc quạt. Hình khắc rắn hổ mang trên trán và những vết tích chữ tượng hình chỉ ra đây là một nữ pharaoh. Mặt sau của mảnh trên là một phần mặt người mang bộ râu ngắn.

Hatshepsut cai trị Ai Cập từ khoảng năm 1478 - 1458 trước Công nguyên. Thời kỳ đầu nắm quyền, Hatshepsut được miêu tả là một phụ nữ mặc váy dài. Tuy nhiên, bà dần dần thay đổi với những đặc điểm nam tính hơn, trong đó có việc đeo râu giả.

Hai mảnh bức điêu khắc sau khi sắp xếp lại.
Hai mảnh bức điêu khắc sau khi sắp xếp lại. (Ảnh: Newsweek).

Các nhà nghiên cứu cho rằng mảnh trên của tấm điêu khắc từng được tách ra và khắc thêm để hoàn thiện khuôn mặt ở mảnh dưới. Điều này cũng giải thích cho đường cắt khác thường của nó. Việc khắc thêm vào mặt sau có thể do một người buôn đồ cổ, người bán đấu giá hoặc người sở hữu trước đây thực hiện để tăng thêm giá trị hay tính hấp dẫn cho bức điêu khắc.

Đại học Swansea mang bức điêu khắc này cùng một số đồ tạo tác từng thuộc về thương nhân dược phẩm Henry Wellcome về bảo quản năm 1971. Các chuyên gia cho rằng nó có nguồn gốc từ Deir el-Bahri. Tuy nhiên, họ cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để xác nhận điều này.

Cập nhật: 04/04/2018 Theo VNE
  • 277