Các ca ngộ độc thực phẩm chủ yếu tập trung vào giai đoạn nắng nóng, nguyên nhân ngộ độc có thể do hóa chất, độc tố tự nhiên của thực phẩm nhưng trên hết vẫn là do vi sinh vật.
Các bãi biển là điểm đến ưa thích của nhiều gia đình để thư giãn, giải nhiệt trong mùa hè. Cùng với việc tắm biển thì thưởng thức các món hải sản gần như là phần không thể thiếu trong một chuyến du lịch biển.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng, các loại hải sản tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Do đó, cần đặc biệt cẩn trọng khi thưởng thức loại đặc sản miền biển này, nhất là khi nước ta đang bước vào giai đoạn cao điểm ngộ độc thực phẩm.
Nguy cơ nhiễm phẩy khuẩn tả và vi khuẩn "ăn thịt người" từ hải sản
Từ thực tế làm lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai nhận định, các ca ngộ độc thực phẩm chủ yếu tập trung vào giai đoạn nắng nóng, nguyên nhân ngộ độc có thể do hóa chất, độc tố tự nhiên của thực phẩm nhưng trên hết vẫn là do vi sinh vật, bởi kiểu thời tiết đặc trưng của mùa hè là điều kiện lí tưởng để các loại vi sinh vật phát triển.
“Theo nghiên cứu mà Trung tâm Chống độc đã thực hiện, nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu đối với hải sản là các vi khuẩn thuộc nhóm phẩy khuẩn sống trong môi trường nước biển và nước lợ” - BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh Viện Bạch Mai
Một trong những loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần nhanh chóng dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.
Bên cạnh vi khuẩn tả, các loại hải sản còn có thể chứa Vibrio vulnificus, còn được biết đến với cái tên “Vi khuẩn ăn thịt người”. Trên thực tế, loại phẩy khuẩn này không ăn thịt người theo đúng nghĩa đen, thay vào đó chúng gây ra hiện tượng viêm cân mạc hoại tử.
Bàn tay của một người đàn ông Hàn Quốc bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người sau khi ăn hải sản.
Cụ thể, các độc tố của vi khuẩn Vibrio vulnificus sẽ gây hiện tượng viêm dẫn tới phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. Các dấu hiệu sớm khi nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnuficus bao gồm: sốt, xuất hiện các nốt phồng rộp hoại tử. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn hệ thống tối cấp, với tỉ lệ tử vong trung bình có thể lên tới 50%.
Chúng ta có nguy cơ cao nhiễm phẩy khuẩn khi ăn các loại hải sản sống như: hàu sống, gỏi cá, gỏi mực… hoặc hải sản không được chế biến đúng cách.
Hàu sống là món ăn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngộ độc
Ngay cả với các loại hải sản đã nấu chín cũng nên ăn sớm sau khi chế biến, bởi chúng sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và phát triển. Một số loại hải sản như cá thu, cá ngừ nếu bị nhiễm khuẩn thì thịt cá bị biến thành chất độc Histamine, nếu ăn vào sẽ gây đỏ da, nóng bừng, đau đầu, khó thở…
Hải sản đã nấu chín cũng tiềm ẩn rủi ro
“Mùa hè, các nhà hàng thường đông đúc nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế nguyên liệu, cũng như khâu chế biến thường không được đảm bảo, nên tiềm ẩn nguy cơ các loại vi khuẩn từ môi trường lẫn vào thực phẩm hoặc các loại vi khuẩn có sẵn trong thực phẩm chưa được tiêu diệt hết vì nấu không kỹ. Ngoài ra, với các loại thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, quá trình bảo quản không đảm bảo thì cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc” – BS Trung Nguyên nhấn mạnh.
Các loại hải sản đã nấu chín cũng nên ăn sớm sau khi chế biến.
Bên cạnh phẩy khuẩn, hải sản còn là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh khác như virus viêm gan siêu vi A, giun sán, nếu ăn hải sản không nấu chín kĩ thì có nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, viêm gan A…
Đừng ham "của lạ" kẻo tiền mất tật mang
Ngoài ngộ độc vi sinh vật, theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, nguy cơ ngộ độc vì chính độc tố tự nhiên của thực phẩm cũng không hề nhỏ. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo rằng, cần tránh ăn các thực phẩm đã được cảnh báo có chứa độc tố, điển hình là cá nóc. Bên cạnh đó, cần cẩn thân, tỉnh táo với các món ăn được coi là đặc sản độc (độc đáo), lạ, hiếm, bởi tiềm ẩn nguy cơ chứa độc tố tự nhiên.