Cơn đau khủng khiếp nhất mà não bộ có thể chịu đựng là gì? Bị bỏng, bị vật sắc nhọn đâm hay còn thứ gì khác?
Con người có thể chịu đau đến mức nào?
Nỗi đau đớn về thể xác dù đáng sợ nhưng vẫn luôn là một điều cần thiết trong cuộc sống. Chúng ta cảm thấy đau đớn để biết được những gì nguy hiểm đang xảy ra với bản thân. Nhưng liệu bạn đã bao giờ thắc mắc đâu là nỗi đau kinh khủng nhất cơ thể người chịu đựng được?
Đi tìm cảm giác đau đớn nhất...
Con người có thể cảm nhận được một số lượng lớn “nỗi đau” về mặt thể xác: từ cái nhói khi bị giấy cắt tay cho đến sự đau đớn tột cùng khi sinh nở... Tuy nhiên để xác định được nỗi đau nào là kinh khủng nhất lại là một vấn đề không hề dễ dàng.
Như đã nói ở trên, đau đớn là một trải nghiệm cần thiết của cơ thể để xác định được nguy hiểm. Tuy nhiên, trải nghiệm đau đớn thì mỗi người mỗi khác, trong đó một số người có ngưỡng chịu đau cao hơn những người còn lại. Lý giải cho sự khác biệt này, các chuyên gia cho biết điều đó phụ thuộc vào tâm sinh lý của mỗi người.
Ngay cả sự khác biệt giữa khả năng chịu đau của 2 giới cũng không thống nhất. Trong một nghiên cứu của ĐH Bath (Anh), đàn ông có thể chịu đựng đau đớn lâu hơn phụ nữ. Mặt khác, nghiên cứu của ĐH Michigan (Mỹ) cho rằng hormone estrogen trong cơ thể nữ giới giúp giảm đau đáng kể, đặc biệt là nỗi đau khi sinh nở (một trong những nỗi đau đáng sợ nhất).
Chính vì vậy, việc xác định được giới hạn đau đớn của cơ thể là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Justin Schmidt - nhà sinh thái học người Mỹ - đã lập ra một bảng đánh giá sự đau đớn, trong đó thứ được ông cho là "đau chưa từng thấy" là... vết cắn của một loại côn trùng tại Brazil: Kiến đạn (bullet ant).
Kiến đạn - sinh vật gây ra cơn đau kinh khủng nhất
Có tên khoa học là Paraponera clavata, loài kiến đạn được lấy tên theo cảm giác đau buốt như đạn bắn mà nó mang lại khi bị chúng cắn.
Kiến đạn - thứ gây nên nỗi đau lớn nhất con người có thể chịu đựng được.
Kiến đạn có 2 màu đỏ hoặc đen, với kích thước tương đối lớn. Một con kiến đạn có chiều dài trung bình từ 1,8 - 3cm, và có vẻ ngoài dễ khiến người ta liên tưởng đến loài ong bắp cày nguy hiểm. Loài kiến này phân bố chủ yếu ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, trong các khu rừng ẩm ướt.
Vết cắn của một cá thể kiến đạn sẽ đi cùng với một loại nọc độc. Theo thống kê từ các nạn nhân, nọc độc kiến đạn còn gây ra sự đau đớn kinh khủng hơn cả nọc của ong bắp cày kí sinh Tarantula hawk - loài ong có vết đốt cho cảm giác như "sốc điện".
Cụ thể trải nghiệm bị kiến đạn cắn được miêu tả lại như sau: Nỗi đau dâng lên từng đợt, lan đi khắp cơ thể rồi gây co giật, toát mồ hôi. Nọc độc cũng gây tác động đến hệ thần kinh, vì thế chỉ cần vài vết cắn, nạn nhân có thể "bất tỉnh nhân sự". Cơn đau thường kéo dài liên tục trong 24h và được các nạn nhân mô tả là: "quãng thời gian thế giới không còn gì khác ngoài đau đớn".
Trải nghiệm bị kiến đầu đạn cắn.
Ngoài ra, nỗi đau khủng khiếp mà nọc độc kiến đạn mang lại là ngay lập tức và không thể bị chặn lại hay làm thuyên giảm bởi não bộ. Chính khả năng gây đau đớn với cường độ cao đã khiến Justin Schmidt - người đã bị cắn bởi 150 loài côn trùng có độc khác nhau- khẳng định là “nỗi đau tồi tệ nhất mà con người từng biết đến”.
Tuy nhiên, dù mang lại nỗi đau tột cùng nhưng nọc độc kiến đạn không phải là chất độc chết người, cũng không có tác dụng phụ sau 24h. Dựa vào đặc điểm này, người dân của bộ tộc Satere-Mawe của Brazil đã sử dụng kiến đạn như “vật thử thách” các chiến binh.
Chiếc bao tay đầy kiến đầu đạn của người Satere-Mawe (Brazil).
Theo tục lệ, khi các chàng trai của bộ tộc đến tuổi trưởng thành, họ sẽ phải cho tay vào các bao tay làm bằng lá chứa đầy… kiến đạn.
Người thực hiện sẽ phải giữ tay mình trong chiếc “găng” đủ 10 phút. Kết quả thường thấy là bàn tay cùng một phần cánh tay sẽ tạm thời bị tê liệt do nọc độc kiến, đồng thời bị co giật không kiểm soát được trong vòng nhiều ngày tiếp đó. Ngoài ra, để hoàn thành thử thách, người con trai của bộ tộc sẽ phải đeo găng tổng cộng 20 lần trong vòng nhiều tháng, thậm chí hàng năm.
Video dưới đây có thể cho các bạn phần nào cảm nhận được trải nghiệm này "kinh khủng" như thế nào.
Trải nghiệm này khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi về “thước đo” cảm xúc kì diệu của con người. Nếu có thể chống chọi được cơn đau khủng khiếp nhất là vết đốt của kiến đạn, thì liệu cơ thể con người còn có khả năng chịu đựng được nỗi đau nào hơn thế nữa không? Câu trả lời vẫn đang chờ để được khám phá.