Dịch cúm H5N1 đã quay trở lại

Sau gần 2 năm, đến nay Việt Nam mới ghi nhận ca 2 ca mắc cúm H5N1 và tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Do vậy tại buổi họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 7/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch cúm H5N1 đã tái xuất.

Tại buổi họp này, các chuyên gia đều cho rằng sau một thời gian dài không ghi nhận ca mắc cúm nào, nên dường như cả người dân và cán bộ ngành y tế đều chủ quan.

Chẳng hạn, với trường hợp nam giới 18 tuổi ở Kiên Giang, ngày 10/1, bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu, mệt mỏi nhưng lại tự mua thuốc để uống. Đến 4 ngày sau, chàng thanh niên này mới nhập viện khi tình trạng bệnh đã rất nặng và 2 ngày sau thì tử vong.

Ngược lại, trường hợp tử vong thứ 2 tại Sóc Trăng, sản phụ 26 tuổi này khi thấy sốt, so đã đi khám tại bệnh viện huyện. Thế nhưng, tại đây bệnh nhân chỉ được chẩn đoán là sốt, viêm họng và được cho về nhà theo dõi tiếp. 2 ngày sau, bệnh nhân tiếp tục đến bệnh viện nhưng phải đến 2 ngày sau chị mới được chỉ định điều trị thêm Tamiflu, một loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh cúm H5N1.


Ăn tiết canh, giết mổ gia cầm đã chết hoặc bệnh làm tăng
nguy cơ bùng phát dịch cúm H5N1 trên người. (Ảnh: N.P)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh các nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, từ khi khởi phát bệnh đến khi vào bệnh viện, bệnh nhân không được điều trị ngay bằng thuốc Tamiflu mà chỉ đến khi bệnh nặng mới cho dùng thuốc, như thế thì đã muộn. Trong khi đó, trong 3 ngày đầu phát hiện sớm bệnh, nếu tăng gấp đôi liều thuốc thì nguy cơ tử vong giảm đi nhiều.

Vì thế, ông khuyến cáo: “Nếu nghi ngờ cúm thì nên sử dụng Tamiflu ngay. Chúng ta không thiếu thuốc, thuốc lại sẵn có, vấn đề là phải phát hiện sớm, tránh nguy cơ tử vong”.

Theo ông thì nên tổ chức tập huấn lại để nhắc cán bộ y tế về việc chẩn đoán và điều trị sớm cúm H5N1 vì sau gần 2 năm hầu như mọi người đã mất cảnh giác.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong 2 ca tử vong trên, từ khi khởi phát bệnh đến khi được điều trị theo phác đồ cúm H5N1 mất đến 4 ngày, 5-6 ngày sau thì nạn nhân đã tử vong. Chưa kể bệnh diễn biến khá nhanh, có người lại là thai phụ.

“Trong thời gian khá dài không có ca mắc nào vì thế có thể cán bộ y tế chưa nghĩ ngay đến cúm H5N1 khi có ca bệnh. Người dân cần lưu ý, khi có biểu hiện cúm lại có tiếp xúc với gia cầm thì nên đến bệnh viện ngay”, ông Khoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, dịch diễn biến bình thường, theo tiến triển chung của bệnh. Nguồn gốc xảy ra bệnh ở người là do bệnh trên gia cầm. Thực tế, bệnh cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác trong năm 2010, 2011.

“Nguồn bệnh vẫn tồn tại quanh chúng ta. Điều đáng lưu ý là là do lâu không xảy ra dịch cúm trên người nên người dân tưởng bệnh không có, nên vẫn ăn tiết canh vịt, buôn bán, giết mổ gia cầm... Nhiều người coi như không có nguy cơ mắc bệnh”, tiến sĩ Hiển nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, người dân không nên ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc chết. Ngoài ra đã có hiện tượng chủng virus cúm trên gia cầm biến đổi, kháng vắcxin nên có nguy cơ gây dịch bùng nổ trên đàn gia cầm. Chưa kể, virus này còn tồn tại cả trên các đàn thuỷ cầm nhưng lại không biểu hiện bệnh. Điều này làm cho việc kiểm soát bệnh gặp khó khăn.

Đồng thời, thứ trưởng cũng đề nghị tiểu ban điều trị nhanh chóng tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn những tiến bộ mới trong điều trị bệnh. Đồng thời nhắc nhở cán bộ y tế luôn có ý thức cảnh giác, trường hợp có biểu hiện cúm thì cần nghĩ đến cúm H5N1.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video