Một bé trai 2 tuổi được xác định là “bệnh nhân số 0” nhiễm virus Ebola. Bé cũng là nạn nhân đầu tiên tử vong vì căn bệnh lây nhiễm đáng sợ tại một ngôi làng ở Guinea cuối năm 2013.
Bệnh nhân đầu tiên, một cậu bé được miêu tả là “hiếu động”, có tên Emile Ouamouno. Trước khi bị căn bệnh tước đi sự sống, bé được nhìn thấy chơi gần một cái cây, vốn là nơi trú ngụ của đàn dơi không đuôi.
Đột ngột sốt rất cao, nôn mửa và tiêu chảy phân đen, cậu bé tử vong vào ngày 6/12/2013, chỉ sau 4 ngày ngã bệnh. Tiếp theo sự mất mát này, gia đình bé lần lượt chứng kiến cô chị gái Philomene, người mẹ và người bà thiệt mạng.
Bé trai 2 tuổi Emile được ghi nhận là ca nhiễm Ebola đầu tiên trong đợt bùng phát hiện tại. (Ảnh: news24.org.uk)
Theo News24, các cái chết bí ẩn khác tiếp tục xuất hiện trong khu làng và những vùng lân cận. Tuy nhiên, mãi tới tháng 3/2014, thủ phạm gây bệnh mới chính thức được công nhận là virus Ebola.
Đợt bùng phát đã đánh dấu trận đại dịch Ebola khủng khiếp nhất mà thế giới từng ghi nhận khi nhanh chóng lây lan ra Sierra Leone, Liberia, Nigeria; sau đó vượt biên giới châu Phi tới Tây Ban Nha, Mỹ và Anh. Hơn 7.800 người trên toàn cầu đã tử vong.
Để tìm lời giải cho đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh dịch cũng như hoàn cảnh gây ra ca tử vong đầu tiên, các nhà khoa học ở Viện Khoa học Robert Koch của Đức đã trực tiếp tới hiện trường kiểm tra các khả năng tiếp xúc của người dân với dơi, khảo sát các động vật hoang dã bản địa, bắt và lấy mẫu các loài dơi ở làng Meliandou và các khu rừng lân cận.
Hốc cây lớn nơi đàn dơi không đuôi sinh sống được cho là nguồn lây lan virus Ebola, gây ra đợt dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử. (Ảnh: news24.org.uk)
Theo các nhà khoa học, dơi ăn quả thường bị nghi ngờ là thủ phạm mang virus Ebola và có liên quan tới các vụ dịch trước đây. Loài vật này cũng thường bị người dân châu Phi săn bắn lấy thịt. Tuy nhiên ở đợt dịch lần này, không có nhiều khả năng đây là nguồn lây nhiễm. Bởi nếu điều này là đúng, nhiều người lớn có thể đã nhiễm bệnh trước hoặc cùng thời điểm với bé trai 2 tuổi Emile.
Lập luận này dẫn tới khả năng nguồn nhiễm bệnh không liên quan gì tới thực phẩm có nguồn gốc từ dơi, mà có thể do bé trai 2 tuổi, theo cách nào đó đã tiếp xúc với loài dơi không đuôi chuyên ăn sâu bọ sinh sống trong một hốc cây lớn. Đây là nơi trẻ em trong làng thường xuyên tụ tập vui chơi, bắt và đùa nghịch với các con vật.
Một thành viên đoàn nghiên cứu, tiến sĩ Fabian Leendertz nhận định, virus Ebola có thể lây sang người qua tiếp xúc với các loài động vật hoang dã khác hoặc trực tiếp với dơi. Tuy nhiên, trình bày trên Tập san EMBO Molecular Medicine, ông cho hay: “Chúng tôi đã giám sát các động vật có vú khác sống gần ngôi làng Meliandou, phía đông nam Guinea và không tìm thấy bằng chứng nào liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành”. Theo tiến sĩ Fabian, tiếp xúc với dơi có vẻ là nguyên nhân hợp lý nhất cho đợt dịch hiện nay.