Gà đẻ trứng mỗi ngày, nhưng có phải cứ ấp là nở không?
Nhiều lúc ăn trứng gà, bạn tự hỏi liệu mình có đang... sát sinh không? Bởi vì quả trứng bạn ăn nếu được ấp nở sẽ thành gà con, không phải vậy sao?
Đây có lẽ cũng là trăn trở của nhiều người trong chúng ta hồi nhỏ. Hỏi 10 người cũng phải 6,7 thú nhận từng "chôm" một quả trứng mẹ mới mua rồi nhét vào chăn, nhằm sở hữu cho riêng mình một chú gà con dễ thương.
Có điều, trứng nở chẳng nở, chỉ có vỡ tung tóe (vì nằm đè lên), báo hại mẹ phải giặt nguyên bộ cả chăn lẫn nệm, còn bạn được thưởng vài cái roi vào mông.
Tưởng tượng, và thực tế...
Nếu ấp kiểu đó tất nhiên là chẳng nở được rồi, vì chỉ có thân nhiệt của gà mẹ mới làm trứng nở được thôi, hoặc bạn phải dùng hệ thống đèn ấp nhân tạo. Tuy nhiên, có đúng là ấp thì những quả trứng đó sẽ nở không?
Nghĩ như vậy thì rất tiếc, bạn đã nhầm rồi.
Sự thật: Gà có thể đẻ trứng mỗi ngày, nhưng không phải trứng nào cũng nở.
Gà có thể đẻ mỗi ngày, thậm chí chẳng cần đến gà trống, vì đó là tập tính của chúng. Gà thường sẽ đẻ sao cho đầy ổ - khoảng 12 quả, tức 1 tá. Nếu như ta cứ thu trứng, chúng vẫn sẽ đẻ mỗi ngày cho đến khi buồng trứng cạn kiệt.
Lưu ý là không phải gà nào cũng đẻ mỗi ngày. Tuỳ theo giống, gà có thể đẻ cách ngày, thậm chí là cách tuần mới được một trứng. Nhưng với gà mái công nghiệp, con số thường là 1 ngày/quả.
Ngoài ra, tâm trạng của gà cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất đẻ trứng. Nếu để môi trường sống của gà chất lượng quá kém, gà sẽ không thể đẻ trứng nữa.
Và những quả trứng đẻ mà không cần gà trống, trứng đó sẽ không thể ấp nở. Bởi vì, đó là những quả trứng chưa được thụ tinh.
Trứng gà muốn nở phải có điều kiện
Bên trong cơ thể gà khi đến thời điểm sẽ bọc lòng đỏ trứng bằng một lớp albumin - chính là lòng trắng trứng. Sau đó, quả trứng sẽ tiến vào ống dẫn trứng, và tại đây hình thành màng vỏ, rồi sau vài giờ một quả trứng hoàn chỉnh đã sẵn sàng xuất xưởng.
Trứng gà muốn nở, phải có phôi...
Nhờ vậy, trứng có thể hình thành mỗi ngày, nhưng trứng này không nở được. Muốn nở, chúng phải được thụ tinh nhờ gà trống.
Khi đó, tinh trùng của gà trống sẽ tiếp cận lòng đỏ trứng trước để hình thành phôi. Sau đó, phôi gà sẽ được bao bọc bằng albumin và vỏ can-xi giống như một quả trứng bình thường.
Có một điểm đặc biệt là gà mái có thể lưu trữ tinh trùng của con trống trong nhiều ngày. Mỗi khi "muốn" đẻ, gà mái sẽ tiết một ít tinh trùng vào lòng đỏ.
Thậm chí nếu không thích con trống, nó hoàn toàn có thể đào thải số tinh trùng này, và đi tìm một anh trống khác "cao to đen hôi" hơn.
Gà ấp trứng
Sau khi chúng giao phối xong, tinh trùng của gà trống không chỉ có thể tồn tại trong cơ thể gà mái hơn mười ngày mà gà mái còn rụng trứng liên tục để sinh ra nhiều lứa con, cho phép những quả trứng này đi vào ổ trứng để tiếp xúc với tinh trùng.
Theo quan điểm này, chiến lược chăn nuôi của gà thực sự là “thắng về số lượng”, chỉ khi có đủ hai loại tế bào mầm ổn định thì mới có cơ hội cho trứng được thụ tinh, đó là lý do tại sao gà đẻ trứng mỗi ngày.