Động đất, núi lửa liên tiếp, chuyện gì xảy ra ở "Vành đai lửa"?

Giới khoa học cho rằng bất kể báo chí gần đây đưa tin nhiều về các trận động đất và núi lửa hoạt động trở lại, vẫn không có gì bất thường trong hoạt động của Vành đai lửa.

Theo đài BBC, tuần qua hàng chục ngàn người đã bị đảo lộn cuộc sống vì các sự cố thiên tai như động đất, núi lửa, lở tuyết xảy ra tại các khu vực dọc theo Vành đai lửa ở Thái Bình Dương.

Động đất ngoài khơi Alaska và Indonesia, lở tuyết và phun trào núi lửa ở miền trung Nhật Bản và một núi lửa phun dung nham tại Philippines, tất cả đều đã cùng xảy ra chỉ trong vài ngày qua.


Vành đai lửa Thái Bình Dương là một trong những khu vực xảy ra nhiều động đất nhất thế giới - (Ảnh: DEIMOS IMAGING).

Thực tiễn "không hẹn mà gặp" của các thiên tai đã khiến Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa ngày 23/1 phải đăng lên tài khoản Twitter thông tin cảnh báo tình trạng hoạt động "tích cực" của Vành đai lửa.

Diễn tiến này có thể khiến nhiều người lo ngại không biết liệu có gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra hay không.

Tuy nhiên theo giáo sư Chris Elders, một chuyên gia địa lý của Đại học Curtin ở Úc, các hoạt động gần đây của Vành đai lửa là bình thường. Ông nói: "Không có gì bất thường với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay".

"Các hiện tượng này xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi khác nhau trong khu vực. Không nhất thiết có mối liên hệ giữa chúng", giáo sư Chris Elders nói.

Cũng theo ông Elders, các hoạt động núi lửa và mảng kiến tạo đã vẫn xảy ra như vậy ở khu vực này trong "hàng trăm và hàng ngàn năm" qua.

Tiến sĩ Janine Krippner, một chuyên gia về núi lửa của New Zealand tại Mỹ, cũng đồng tình với quan điểm của ông Elders.

Mặc dù một số dư luận lo ngại các núi lửa có vẻ như đang hoạt động trở lại thường xuyên hơn, song bà Janine Krippner cho rằng mức độ phun trào của các ngọn núi lửa "đã không tăng thêm gần đây".

Theo bà Janine Krippner, lý do khiến dư luận lo ngại có thể vì lẽ khác: "Hiện nay chúng ta có nhiều thiết bị vệ tinh hơn để theo dõi các hoạt động của núi lửa, và mạng Internet cũng nói nhiều hơn về các hoạt động đó".

Vành đai lửa (Ring of Fire) hay Vành đai lửa Thái Bình Dương là cách gọi một khu vực rộng lớn bao gồm một chuỗi các núi lửa, các điểm thường xảy ra động đất và các mảng kiến tạo bao quanh khu vực Thái Bình Dương. Khu vực này trải dài trong khoảng 40.000 km từ mũi phía nam của Nam Mỹ tới tận New Zealand.

Khoảng 90% tổng số cơn địa chấn toàn thế giới xảy ra dọc theo khu vực này, và nằm rải rác trong vành đai này là 75% số núi lửa đang hoạt động trên Trái đất, 452 núi lửa.

Cập nhật: 26/01/2018 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video