Các nhà khoa học lập dự án xây trạm nghiên cứu vận hành quanh năm ở Bắc Cực nhờ kết hợp giữa năng lượng gió, mặt trời và hydro.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MIPT) dự định khởi động dự án xây trạm nghiên cứu Snezhinka (Bông Tuyết) với chi phí 27 triệu USD tại bán đảo Yamal, trung tâm sản xuất khí đốt của Nga, vào năm 2024, Siberian Times hôm 20/12 đưa tin. Công trình được miêu tả là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trên mặt đất, có hình dạng giống bông tuyết với 7 cấu trúc lớn hình vòm nối với nhau bằng các hành lang.
Thiết kế của trạm nghiên cứu Snezhinka. (Ảnh: MIPT).
Snezhinka sẽ được xây gần một hồ nước lớn trong Thung lũng Jade đầy gió, giữa hai dãy núi Rai-Iz và Dinosaur, cách làng Kharp khoảng 30 km. Thời gian lái xe từ sân bay Salekhard đến trạm là khoảng hai tiếng.
Các khu nhà hình vòm với mọi thứ cần thiết như nơi ở, phòng tập gym, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng bảo trì, có thể chứa 80 người cùng lúc. Các nhà khoa học Nga dự định vận hành trạm quanh năm nhờ kết hợp năng lượng gió, mặt trời và hydro - sản xuất bằng quá trình điện phân. Điều này sẽ rất cần thiết trong đêm địa cực - thời kỳ trời tối suốt nhiều tuần.
Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm xây dựng một trạm khoa học tự quản hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh, theo Yury Vasiliev, giám đốc điều hành Viện Công nghệ Bắc Cực thuộc MIPT.
"Không có cơ sở nào trên thế giới như Snezhinka. Gần giống nhất là trạm Princess Elisabeth của Bỉ ở Nam Cực, vận hành bằng các turbine gió nhỏ và pin mặt trời. Họ không có năng lượng hydro, dù việc lưu trữ hydro đang được lên kế hoạch. Một điều quan trọng khác là tất cả trạm ở Nam Cực chỉ hoạt động 3 hoặc 4 tháng, trong ngày địa cực. Trong khi đó, Snezhinka sẽ là cơ sở hoạt động quanh năm ở Bắc Cực", Yuri Vasiliev cho biết.
Các nhà khoa học đặt mục tiêu biến Snezhinka thành một nền tảng nghiên cứu quốc tế, tập trung vào công nghệ ứng dụng trong năng lượng tái tạo và hydro. Một số dự án khác bao gồm các đài quan sát địa từ và thiên văn, trạm giám sát môi trường và cơ sở thử nghiệm những giải pháp kỹ thuật mới trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu.
Một trạm phát điện diesel khẩn cấp sẽ được thiết kế làm nguồn điện dự phòng, theo Vailiev. Do đó, có khả năng dự án cần được triển khai với sự hỗ trợ của diesel cho đến khi trạm chuyển sang sử dụng năng lượng xanh. Một trạm năng lượng tái tạo khác dự kiến mọc lên ở vùng Murmansk, tây bắc Nga. Ngoài ra, UAE cũng đã lên kế hoạch cho một dự án tương tự.