Dùng bếp cồn thế nào cho an toàn?

Hiện nay, trong các bữa tiệc, picnic, người ta có xu hướng dùng bếp cồn thay cho bếp gas mini vì sự tiện lợi và rẻ tiền của chúng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng bếp cồn an toàn.

Vậy dùng bếp cồn như thế nào cho an toàn? Dưới đây là một số lưu ý:

Hạn chế sử dụng cồn nước

Ba loại cồn phổ biến hiện nay là cồn khô, cồn thạch và cồn nước. Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý cần hạn chế sử dụng cồn nước vì nếu để đổ ra ngoài hoặc đổ lên người sẽ gây cháy rất nhanh và dễ lan rộng.

Vụ việc người phục vụ châm cồn nước hoảng loạn làm đổ cồn gây bỏng cho nhiều người mới đây ở Cần Thơ là một điển hình.

Cồn nước hầu như không gây nổ nhưng rất dễ cháy lan. Bỏng do cồn nước thường để lại những vết thương sâu, dễ gây biến chứng. Do đó, người dùng phải tắt hết lửa còn trong bếp trước khi cho tiếp cồn vào.

Cẩn trọng cồn methanol


Cồn khô - (Ảnh: G.G).

Cồn khô và cồn thạch được sử dụng nhiều hơn cồn nước và nhìn chung an toàn hơn. Thời gian mỗi viên cồn cháy là khoảng nửa tiếng.

Thành phần cốt lõi của cồn khô và cồn thạch là ethanol nguyên chất kết hợp với một số chất phụ gia tạo màu khác.

Ethanol có nguồn gốc thực vật, được xem như nhiên liệu sạch tiềm năng có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Đặc biệt, xăng E5 là nhiên liệu phổ biến hiện nay sử dụng ethanol.

Cồn khô, cồn thạch có các ưu điểm như cháy mạnh, lâu và đều không còn lại cặn, không nổ hay tràn, không chứa chất độc hại, không tạo khói cay mắt.

Tuy nhiên trên thị trường, cồn methanol có giá rẻ hơn phân nửa so với cồn ethanol nên được nhiều cơ sở sản xuất "ưu ái".

Cồn methanol cháy tạo hơi độc gây cay, rát mắt, thậm chí làm kém thị lực hoặc gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Nếu hít phải khí khi cồn methanol cháy, bạn sẽ lập tức bị choáng váng, rát mũi, thậm chí gây tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, khi cồn methanol thẩm thấu vào da, chúng có thể gây ngứa hoặc viêm da dị ứng.

Đặc điểm để nhận dạng cồn methanol là khi đốt có khói màu đen bốc lên, đồng thời tạo ngọn lửa màu xanh, có mùi hắc khó chịu. Trong khi đó, cồn ethanol cháy tạo ngọn lửa màu vàng, không mùi hăng, khi cháy hết phía dưới đáy bếp có nhiều nước.

Do đó khi đốt, một khi thấy cồn có những dấu hiệu chứa methanol, bạn nên ngưng sử dụng. Đồng thời, khi mua cồn khô, cồn thạch, bạn nên chọn sản phẩm có thông tin nhãn hiệu rõ ràng

Không dùng tay thêm cồn, không dùng hộp quẹt châm lửa


Cồn thạch - (Ảnh: G.G).

Đa phần các vụ tai nạn do bếp cồn gây ra là bất cẩn của người sử dụng. Đặc biệt, khi thêm cồn vào bếp khi lửa còn cháy sẽ rất dễ bị bỏng. Do đó khi mua bếp cồn, bạn nên chọn loại có cần gạt dễ kéo thuận tiện cho việc tắt bếp. Đồng thời, nên dùng kẹp gắp cồn, không dùng tay.

Khi châm lửa vào bếp cồn nên dùng giấy hoặc các vật trung gian khác. Tuyệt đối không nên ùng hộp quẹt châm lửa trực tiếp vì dễ gây bỏng, nhất là khi tay bạn dính nước cồn lúc mở hộp.

Khi nấu nướng, bạn hãy ngồi xa bếp cồn, tránh tiếp xúc với khói tỏa ra từ bếp, đồng thời giữ không gian thông thoáng cho căn phòng. Ngoài ra, tránh sử dụng nồi quá lớn vì có thể làm đổ bếp gây nguy hiểm.

Xử trí ra sao khi bị bỏng cồn?

Nếu chẳng may bị bỏng cồn, điều đầu tiên cần làm là phải nhanh chóng tránh xa tác nhân gây bỏng, cụ thể ở đây là bếp cồn. Tiếp đó, tháo bỏ ngay những vật nằm trên vùng da bị bỏng như vòng, nhẫn, áo quần... để giảm nóng cho vết thương.

Cần giữ sạch vùng da bị bỏng để tránh bị nhiễm trùng nguy hiểm. Ngâm phần bị bỏng trong nước lạnh để hạ nhiệt cho vết thương, tuy nhiên không nên dùng nước đá để làm mát vết bỏng.

Không để vết thương tiếp xúc với dầu, mỡ, nước mắm... trên bàn ăn hay tự ý bôi những chất lạ lên vùng bỏng. Đồng thời, không làm vỡ các bọng nước nếu chúng đã hình thành, thậm chí không bóc lớp da bị bỏng ngay cả khi bị dính vào quần áo.

Nếu có sẵn đồ cấp cứu thì bạn nên dùng băng hoặc vải sạch che lên vết bỏng. Nếu vết thương nặng, bạn cần nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị gần nhất.

Cập nhật: 31/08/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video