Dùng côn trùng biến rác thải thành “vàng”

Chua Kai-Ninh dành rất nhiều thời gian trong ngày để đảm bảo rằng những con vật của mình được ăn uống đầy đủ và lớn nhanh.

Tuy nhiên, cô không phải là một nông dân bình thường và đây không phải là những con vật bình thường.

Thay đổi cách nhìn về chất thải


Ruồi lính đen không đốt và chúng phát triển rất nhanh, là loài côn trùng lý tưởng cho nông nghiệp đô thị.

Chua và đối tác là Phua Jun Wei thành lập công ty khởi nghiệp Insectta vào năm 2017. Họ đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng lãng phí thực phẩm của Singapore với sự giúp đỡ của một đồng minh mà ít người có thể nghĩ tới, đó là ruồi lính đen.

Chua cho biết, ý tưởng đằng sau Insectta là không có gì lãng phí. “Chất thải có thể được hình dung lại như một nguồn tài nguyên nếu chúng ta thay đổi cách suy nghĩ về phương pháp sản xuất và cách đối phó với chất thải” – cô nói.

Năm 2020, Singapore thải ra 665 nghìn tấn rác thực phẩm nhưng chỉ 19% trong số đó được tái chế. Chua cho biết, công ty cung cấp lượng thức ăn cho những ấu trùng ruồi lính đen lên đến 8 tấn thức ăn thừa mỗi tháng, bao gồm các sản phẩm phụ nhận được từ các nhà máy sản xuất đậu nành và nhà máy bia, chẳng hạn như bã đậu và ngũ cốc đã qua sử dụng.

Sau đó, Insectta có thể đốt khô ấu trùng ruồi lính đen thành thức ăn gia súc và biến phân của loại côn trùng này thành phân bón nông nghiệp.

Trong khi có rất nhiều công ty sử dụng côn trùng để quản lý chất thải, bao gồm Goterra, Better Origin và AgriProtein, nhưng Insectta đang chiết xuất nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp từ ruồi lính đen.

Với sự tài trợ từ Quỹ Trendlines Agrifood và các khoản tài trợ của chính phủ,  Insectta đang thu mua các vật liệu sinh học có giá trị cao từ các sản phẩm phụ của những ấu trùng này.

Từ côn trùng tới vật liệu sinh học


 Cô Chua Kai-Ning đồng sáng lập nông trại nuôi ấu trùng ruồi lính đen Insectta.

Cô Chua nói với hãng tin CNN:  “Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều vật liệu sinh học quý đã có giá trị thị trường có thể được chiết xuất từ những con ruồi này. Công ty hy vọng vật liệu sinh học của mình có thể cách mạng hóa ngành sản phẩm dựa trên côn trùng đang phát triển và thay đổi cách chúng ta nhìn về chất thải”.

Khi những ấu trùng ruồi lính đen phát triển thành con trưởng thành, chúng tạo thành một cái kén và sau khoảng 10 đến 14 ngày sẽ trở thành ruồi trưởng thành. Insectta đã phát triển công nghệ độc quyền để lấy vật liệu sinh học từ lớp vỏ bên ngoài mà chúng để lại.

Một trong những vật liệu sinh học này là chitosan – một chất kháng khuẩn có đặc tính chống oxy hóa đôi khi được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và dược phẩm. Insectta đặt mục tiêu cuối cùng là sản xuất 500kg chitosan mỗi ngày và đang hợp tác với Tập đoàn Spa Esprit có trụ sở tại Singapore để sử dụng chitosan trong kem dưỡng ẩm.

Insectta cũng đang hợp tác với thương hiệu mặt nạ Vi-Mask. Hãng này hy vọng sẽ sử dụng chitosan từ ruồi lính đen để tạo ra một lớp kháng khuẩn trong các sản phẩm của mình.

Hiện tại, Vi-Mask sử dụng chitosan từ vỏ cua để làm lớp lót của mặt nạ. Công ty nói rằng, việc chuyển sang chitosan dựa trên côn trùng là một động thái thân thiện với môi trường vì chitosan của Insectta có nguồn gốc bền vững hơn.

Vật liệu sinh học bền vững

Theo Thomas Hahn, một nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học Frauhofer ở Đức, vỏ cua là một trong những nguồn chính cung cấp chất chitosan. Ông Hahn đã nghiên cứu sản xuất chitosan dựa trên côn trùng với kỹ sư hóa học, nhà sinh vật học Susanne Zibek. Theo bà Zibek, chitosan có thể thay thế chất làm đặc và chất bảo quản tổng hợp trong mỹ phẩm.

Việc khai thác chitosan từ động vật có vỏ bao gồm các quá trình hóa học và xử lý một lượng nước lớn. Cô Chua cho biết, các kỹ thuật chiết xuất của Insectta liên quan đến ít hóa chất hơn, như natri hydroxit, so với quy trình chiết xuất truyền thống, làm cho nó trở thành một giải pháp thay thế bền vững hơn.

Bà Zibek cho biết, thị trường vật liệu sinh học từ côn trùng sẽ phát triển khi các công ty tìm cách giảm tác động đến môi trường. Bà cho biết có một sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng và mọi người muốn có những sản phẩm bền vững. “Chúng tôi có thể hỗ trợ điều đó bằng cách thay thế các sản phẩm tổng hợp bằng chitosan” – bà nói.

Vượt qua định kiến

Để mở rộng thị trường cho vật liệu ruồi lính đen, Insectta cần phải vượt qua định kiến đối với côn trùng. Cô Chua cho biết, khi mọi người nghĩ đến ấu trùng, đầu tiên họ nghĩ chúng thô thiển và có hại cho con người. Tuy nhiên, bằng cách đặt lợi ích mà loại côn trùng này mang lại lên hàng đầu, công ty có thể thay đổi sự kỳ thị của mọi người.

Có một cuộc tranh luận khoa học đang diễn ra về ý thức của côn trùng. Nhưng việc nuôi ruồi lính đen mang tính nhân đạo và bền vững hơn so với nuôi gia súc vì côn trùng cần ít nước, năng lượng và không gian hơn để phát triển.

Tuy nhiên, thay vì điều hành các trang trại của riêng mình,  Insectta có kế hoạch bán trứng cho các trang trại ruồi lính đen địa phương và thu lại vỏ của chúng tại các trang trại này để sau đó chiết xuất ra vật liệu sinh học.

“Chúng tôi không chỉ muốn côn trùng nuôi cả thế giới, mà còn muốn côn trùng cung cấp năng lượng cho cả thế giới” – cô Chua nói.

Cập nhật: 04/11/2021 Theo GD&TĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video