Để bổ sung iốt, hãy dùng hẹ 150 g, thịt ngao 100 g xào ăn hằng ngày. Trong 100 g thịt ngao khô có tới 240 microgam iốt. Thịt ngao giúp thanh nhiệt hóa đàm, thường dùng chữa phù thũng, vàng da, bướu cổ. Hẹ làm ấm tỳ vị, ôn thận bổ dương, lại hạn chế tính lạnh của thịt ngao.
Trong y học cổ truyền, tình trạng thiếu iốt và bệnh bướu cổ đơn thuần thuộc phạm vi các chứng “khí anh”, “anh bệnh”, “anh lựu”, tục gọi là “đại bột tử bệnh”. Để phòng chống các chứng bệnh này, ngoài việc dùng thuốc, châm cứu bấm huyệt, người xưa còn sử dụng các món dược thiện đơn giản nhưng hiệu quả.
Hải đới 100 g, rửa sạch, nấu canh ăn hằng ngày. Hải đới (Laminaria japonica) là một loại tảo sống ở biển, được mệnh danh là “vua iốt” bởi lẽ trong 100 g hải đới có tới 24 mg iốt. Việc ăn loại rau này thường xuyên sẽ có tác dụng phòng chống tình trạng thiếu iốt, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, duy trì công năng bình thường của tuyến giáp trạng. Theo dược học cổ truyền, hải đới vị ngọt, tính mát, có công dụng hóa đàm, lợi thủy thanh nhiệt, thường được dùng để chữa chứng “khí anh” (bướu cổ đơn thuần).
Sứa 50 g, thịt mẫu lệ 50 g, nấu ăn thường xuyên. Mẫu lệ còn gọi là hàu (ostre arivularis), là một loại thủy sản có chứa rất nhiều iốt và kẽm. Trong 100 g thịt mẫu lệ có 70-100 mg iốt và kẽm. Trong 100 g sứa khô có 132 microgam iốt. Nhiều nhà hàng đặc sản biển còn chế biến mẫu lệ và sứa dưới dạng nộm rất ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, “bụng yếu” thì không nên dùng.
Sò biển 50 g, tử thái (tảo tím) 50 g, hai thứ nấu canh ăn thường xuyên. Sò và tử thái đều là những thực phẩm giàu iốt, riêng tử thái là một trong những loại tảo chứa nhiều iốt nhất, ước tính trong 100 mg có 1,8 mg iốt. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, tảo đỏ vị ngọt mặn, tính lạnh, có công dụng hóa đàm nhuyễn kiên, thanh nhiệt lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tràng nhạc (lao hạch), khái suyễn, khí anh (bướu cổ đơn thuần)...
Hồng xanh 1.000 g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi đem nấu chín cô đặc, chế thêm mật ong với lượng bằng lượng nước hồng ép, tiếp tục cô cho đến khi thành dạng cao sền sệt là được, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống một thìa canh. Theo dược học cổ truyền, hồng vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, chỉ khát, nhuận phế, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như suyễn, trĩ xuất huyết, anh lựu... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong 100 g hồng xanh có tới 49,7 mg iốt.
Tử thái, côn bố mỗi vị 15 g; hạ khô thảo, hoàng cầm mỗi vị 9 g. Tất cả rửa sạch hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Ngoài ra, để phòng chống tình trạng thiếu iốt, còn có thể sử dụng các loại thực phẩm biển khác như hải sâm, tôm biển, cá ngần, cá chim, mực, cá bạc... Ở những vùng có nguy cơ thiếu iốt hoặc người đang trong giai cần nhiều iốt như phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, đang mang thai, thiếu nữ giai đoạn dậy thì... nên dùng nhiều các món dược thiện này.