Ủy ban châu Âu (EC) đã dành một khoản tiền 30 triệu euro giúp đỡ các nước châu Á chống lại dịch cúm gia cầm trong năm 2006. Mức hỗ trợ Việt Nam là bao nhiêu sẽ được công bố ngay sau khi kết thúc Hội nghị giữa các đối tác quốc tế về dịch cúm gia cầm và cúm ở người, diễn ra tại Geneva từ 7-9/11.
Ông Markos Kyprianou: "Nạn cúm gia cầm không là vấn đề riêng của một quốc gia là mối đe dọa hàng đầu" |
Ông Markos Kyprianou. Cao uỷ về Y tế và Bảo vệ Người Tiêu dùng của EC, đã xác nhận thông tin này tại cuộc họp báo của EC chiều nay (8/11). Ông Markos Kyprianou nói rằng, sự chuẩn bị về nguồn nhân lực để phòng chống dịch cúm của Việt Nam hiện là rất tốt. Song, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, những thiết bị hỗ trợ trong quá trình phòng chống nguy cơ đại dịch. Ông cũng lưu ý Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến những người trực tiếp làm việc hoặc liên quan đến việc phòng chống dịch cúm gia cầm.
"Chính phủ Việt Nam nên bồi thường cho người nông dân nuôi gia cầm một cách thỏa đáng, để những người nghèo nhất có thể từ bỏ được nguồn lợi của mình mà không phải suy nghĩ nhiều về sự mất mát to lớn đó", ông Markos Kyprianou nói.
Trước đó, EU đã hỗ trợ Việt Nam tổng giá trị 1,6 triệu euro trong cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm trong những đợt bùng phát dịch năm 2004 và đầu năm 2005. Khoản tiền này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối, được dùng để mua các thiết bị y tế, thuốc phòng và thuốc chống virus cũng nhưng triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, trong đó có việc đào tạo cho nhân viên y tế. Đây là một phần trong gói hỗ trợ lớn hơn dành cho lĩnh vực y tế của Việt Nam, khoảng 27 triệu euro, mà EC hiện là một trong số các nhà tài trợ dẫn đầu.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Markos Kyprianou cho biết, hiện các nước EU đang có hai loại kế hoạch hành động khẩn cấp khi có đại dịch xảy ra, một ở cấp độ toàn liên minh, một là của mỗi thành viên trong khối.
Các bản kế hoạch này đã được thảo luận tại cuộc họp của ủy ban tại Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối tuần trước. Theo đó, một số nước châu Âu đang xem xét đến khả năng rút toàn bộ nhân viên của mình đang làm việc tại các nước xảy ra dịch cúm gia cầm về nước.
Tại châu Á, trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus cúm type A chủng H5N1 được xác định tại Thái Lan vào 11/2003. Kể từ đó đến nay, đã có nhiều đợt bùng phát dịch được xác nhận tại Campuchia, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Triều Tiên, Pakistan, Hàn Quốc và Việt Nam. Sự lây lan rộng rãi về mặt địa lý của cúm type A hiện vẫn đang tiếp diễn tại châu Á, và đã lây lan sang Nga, Mông Cổ và Kazắctan. Bệnh dịch đã ảnh hưởng tới tất cả gia cầm nuôi và các loài chim hoang dã, dẫn tới thiệt hại 150 triệu gia cầm trong khu vực. Căn bệnh đã gây tử vong 62 người.
H.Yên