Một loài nấm nguy hiểm có liên quan tới tình trạng thay đổi khí hậu đang tiêu diệt số lượng lớn động vật lưỡng cư ở châu Âu và có thể đẩy một số loài tới bờ vực của sự tuyệt chủng, các nhà khoa học Tây Ban Nha cho biết.
Nấm bào tử ếch nhái Batrachochytrium dendrobatidis (BD) là một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật lưỡng cư. Khi nhiễm nấm, động vật lưỡng cư không thể kiểm soát quá trình mất nước trên cơ thể và chết.
Loài ếch Alytes obstetricans. |
Đầu năm nay, các nhà khoa học cũng tìm ra mối liên hệ tương tự giữa tình trạng tuyệt chủng của các loài ếch nhiễm bệnh nấm BD ở khu vực Nam Mỹ với nhiệt độ ngày càng tăng của môi trường.
Người ta cho rằng nấm BD đã tiêu diệt một số lượng lớn ếch và những loài họ hàng của chúng ở Nam Mỹ và Australia. Tính từ năm 1980, BD đã làm tuyệt chủng 74 trong số 110 loài ếch da màu ở Trung và Nam Mỹ.
Tràn tới châu Âu
BD bắt đầu đặt chân tới châu Âu từ thập kỷ trước. Do nhiễm nấm, loài ếch Alyte sobstetricans trên các ngọn núi ở Vườn quốc gia Penalara của Tây Ban Nha giờ đây đã gần như tuyệt chủng.
Jaime Bosch, chuyên gia thuộc Bảo tàng Khoa học tự nhiên Quốc gia tại Madrid, đã cùng với các cộng sự so sánh những dữ liệu về hiện tượng tuyệt chủng của ếch tại Penalara với những dữ liệu địa chất học ở những quả núi mà chúng sống trong khoảng thời gian từ 1976 đến 2002. Họ nhận thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng tăng nhiệt độ với phạm vi tác động của nấm.
"Căn bệnh này là ví dụ tiêu biểu và rõ ràng nhất về mối liên hệ giữa tình trạng thay đổi khí hậu với một căn bệnh truyền nhiễm", Matthew Fisher, thành viên nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Theo Fisher, lưỡng cư là động vật máu lạnh. Chúng dễ bị tổn thương bởi quá trình thay đổi nhiệt độ của môi trường sống. Sự dao động nhiệt độ của môi trường khiến cơ thể chúng mất khả năng tự bảo vệ trước bệnh tật. Thêm vào đó, những mùa đông không quá lạnh gần đây cho phép các loài nấm tồn tại từ năm này qua năm khác, điều mà trước đây chúng không làm được.
Các khu bảo tồn chưa phải là giải pháp
"Sự suy giảm số lượng của các loài lưỡng cư, đặc biệt là những loài sống ở các khu vực không hề bị con người tác động, đã trở nên đáng báo động từ những năm 70", nhà sinh thái học Alan Pounds tại Trung tâm Bảo tồn rừng Monteverde Cloud (Costa Rica), nói.
"Tình trạng đó cho thấy chúng ta không thể bảo đảm sự tồn tại của các loài lưỡng cư nếu chỉ trông chờ vào các công viên quốc gia và khu bảo tồn".
Mặc dù các chuyên gia không biết chắc tại sao đại dịch nấm lan từ khu vực này sang khu vực khác với tốc độ rất nhanh, song có bằng chứng cho thấy tình trạng mua bán ếch nhái làm vật nuôi là một trong những nguyên nhân. Trong khoảng thời gian từ 1998 tới 2002, người ta cho rằng riêng Mỹ đã nhập khẩu 14,7 triệu con ếch, nhái, cóc và các động vật lưỡng cư khác.
Việt Linh