Một số chuyên gia bảo tồn cho rằng con gấu Bắc cực gầy gò nằm chờ chết trên đảo Canada không phải là kết quả của biến đổi khí hậu.
Nhiếp ảnh gia Paul Nicklen của National Geographic và các nhà làm phim từ tổ chức bảo tồn Sea Lpegacy phát hiện con gấu Bắc cực trên quần đảo Baffin ở Canada vào cuối tháng 8, theo Fox News. Con gấu gầy gò đang lục lọi một chiếc thùng rác được xem như một biểu tượng cho tác động của biến đổi khí hậu. "Khi nhiệt độ tăng và băng tan, những con gấu Bắc cực không thể tiếp cận nguồn thức ăn chính của chúng là hải cẩu", video giải thích.
Cảnh gấu Bắc cực đói khát nằm chờ chết gây ra nhiều ý kiến tranh cãi. (Video: National Geographic).
Tuy nhiên, Leo Ikakhik, chuyên gia theo dõi gấu Bắc cực ở vùng Nunavut từ năm 2010, cho biết ông không mấy bất ngờ trước cảnh gấu Bắc cực chết đói trong video. "Mọi người có thể sốc khi trông thấy một con gấu thực sự gầy trơ xương, nhưng đó không phải lần đầu tiên tôi nhìn thấy động vật tương tự", Ikakhik chia sẻ với BBC.
Theo Ikakhik, con gấu Bắc cực trong video có thể bị ốm hoặc đang hồi phục sau thương tích khiến nó không thể đi săn. "Tôi sẽ không đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Đó chỉ là một phần cuộc sống của động vật, những gì chúng trải qua", Ikakhik nói.
Cristina Mittermeier, đồng sáng lập tổ chức Sea Legacy, chia sẻ dù không biết chính xác những lý do dẫn đến tình trạng của con gấu, cô hy vọng video sẽ làm dấy lên những cuộc thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đến động vật hoang dã.
Theo National Geographic, xét về tổng thể, số lượng gấu Bắc cực trên thế giới không bị đe dọa. Tuy nhiên, Steven Amstrup, nhà khoa học cao cấp của tổ chức phi lợi nhuận Polar Bears International, cho rằng một số quần thể gấu Bắc cực có nguy cơ sụt giảm số lượng lớn nhất sống ở những vùng có băng theo mùa, như khu vực bao quanh đảo Baffin ở cực bắc, nơi nhiếp ảnh gia ghi hình con gấu Bắc cực sắp chết đói.
Khi nhiệt độ ấm lên, băng trên biển tan sớm hơn và quay trở lại muộn hơn. Điều này kéo dài thời gian gấu Bắc cực phải sống dựa vào chất béo tích lũy trong cơ thể. Diện tích băng bao phủ trên biển Bắc cực ít hơn khoảng 2,6 triệu km2 so với năm 1979. Đa số các nhà khoa học cho rằng băng trên biển tan nhanh hơn tốc độ thông thường trong vài thập niên qua. Bắc cực là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thời tiết ấm lên.
Biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ thực sự đối với quần thể gấu Bắc cực.
Theo Amstrup, biến đổi khí hậu có thể không phải yếu tố chính dẫn đến kết cục đáng buồn của con gấu Bắc cực trong video. "Chúng tôi không thể nói chắc từ cảnh quay rằng tình trạng suy dinh dưỡng của con gấu này do hiện tượng ấm lên toàn cầu và sự biến mất của băng trên biển gây ra. Gấu Bắc cực có rất ít kẻ săn mồi trong tự nhiên. Dù thường sống lâu, chúng không bất tử. Tất cả cuối cùng đều chết và phần lớn chết do chúng không còn khả năng kiếm đủ thức ăn. Điều này có nghĩa thiếu thức ăn là nguyên nhân chính gây tử vong đối với gấu Bắc cực", Amstrup giải thích.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ thực sự đối với quần thể gấu Bắc cực, theo Amstrup. "Dù không chắc chắn con gấu rơi vào tình trạng chết đói như thế nào, chúng tôi hoàn toàn có thể chắc chắn nếu thế giới tiếp tục ấm lên, những sự việc như vậy sẽ tăng lên và tỷ lệ sống sót của gấu Bắc cực sẽ giảm đi. Chúng tôi cũng tin chắc nếu không ngừng thải khí nhà kính, gấu Bắc cực trên thế giới sẽ dần dần biến mất", Amstrup nói.