Nhiệt độ toàn cầu tăng, điều gì sẽ xảy ra?

  •  
  • 1.378

Các nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo cho biết nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên và nếu các quốc gia không có những biện pháp quyết liệt thì hậu quả sẽ khôn lường.

Bão mạnh kèm theo hiện tượng nước biển dâng cao là hậu quả của tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên (ảnh chụp cơn bão số 7 năm 2005)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Nguyên Tường - trưởng Phòng khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế, Viện Khí tượng thủy văn - cho biết:

- Phần lớn khí nhà kính là khí tự nhiên đã có từ lâu và là thành phần quan trọng trong khí quyển. Các loại khí này có khả năng bức xạ và phản xạ sóng dài của bức xạ mặt trời kiểu lồng kính và chúng được gọi là khí nhà kính.

Nhờ có các khí nhà kính với nồng độ ổn định trong khí quyển mà khí hậu Trái đất đã ấm áp như ngày nay với sự sống của muôn loài. Nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất vào khoảng 15oC.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự phát triển kinh tế, đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp, con người đã bổ sung vào khí quyển một khối lượng khổng lồ các loại khí có hiệu ứng nhà kính nhân tạo làm thay đổi đáng kể nồng độ các khí nhà kính, làm thay đổi khả năng hấp thụ và phản xạ bức xạ của khí quyển, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Hệ quả tất yếu là dẫn tới sự gia tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái đất. 

Dự báo nhiệt độ trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ tăng lên như thế nào, thưa ông?

- Các nghiên cứu và tính toán mới nhất của Tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu cho thấy đến năm 2100 nhiệt độ bề mặt Trái đất có thể tăng thêm 1,4 - 5,8oC. Nhiệt độ mặt đất tăng nhanh hơn mặt biển, nhiệt độ Bắc bán cầu tăng nhiều hơn Nam bán cầu. Dự kiến đến năm 2100, do nhiệt độ tăng, mực nước biển có thể dâng lên từ 9 - 88cm.

Có khác biệt lớn trong các tính toán này là vì tính phức tạp trong tác động qua lại của hệ thống khí hậu với các thành phần tác động lên nó. Nhưng sự thay đổi là chắc chắn. Sự thay đổi đó cho dù xảy ra ở mức thấp nhất cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Tại VN, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng khoảng 0,1oC mỗi thập kỷ. Nhiệt độ trung bình một số tháng mùa hè tăng khoảng 0,1 - 0,3oC mỗi thập kỷ. Dự tính trong tương lai, các vùng nằm sâu trong lục địa có sự biến đổi nhiệt độ lớn hơn so với các vùng ven biển.

Vậy những hậu quả nào sẽ xảy ra khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng?

- VN nằm trong vùng có nhiều thiên tai nên những hậu quả do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới VN thông qua sự gia tăng về số lần xảy ra và cường độ của các thiên tai. Ngoài ra, VN có hơn 3.000km bờ biển và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nước biển dâng.

Hàng triệu hecta vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng có thể bị chìm ngập, hàng trăm nghìn hecta rừng ngập mặn bị mất. Đời sống, sinh hoạt và các công trình xây dựng của cư dân ven biển sẽ bị thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Do nước biển ấm lên, các loài cá có hiệu quả kinh tế cao sống ở vùng ôn hòa có thể di cư đến sống các vĩ độ cao hơn hoặc xuống độ sâu hơn. Dự báo do tác động của nhiệt độ tăng, trữ lượng các loài hải sản trên các ngư trường của ta có thể sẽ bị giảm sút 1/3 so với hiện nay.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Sức khỏe con người sẽ chịu ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, nguy cơ phát bệnh tăng lên, suy giảm khả năng miễn dịch, nguồn mang và truyền bệnh phát triển, có thể dẫn đến bùng nổ các dịch bệnh trước đây đã được kiểm soát như sốt rét, sốt xuất huyết...

Các nước trên thế giới và VN đang đối phó với tình hình này như thế nào, thưa ông?

- Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu là nỗ lực chung rất quan trọng của cộng đồng quốc tế để hạn chế và kiểm soát phát thải khí nhà kính nhân tạo.

Cùng với việc giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề quan trọng là chúng ta phải tìm các biện pháp thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số dự án nghiên cứu biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang được thực hiện ở khu vực miền Trung, một khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt, hạn hán, thiên tai.

Các dự án này tập trung xây dựng các biện pháp cụ thể cho các cộng đồng, các làng xã để thích ứng và đối phó với thiên tai như xây dựng đường đi thuận lợi cho việc di chuyển dân trong trường hợp lũ lụt, xây dựng các trường học ở những địa điểm nhiều người có thể tập kết, nâng cao nhận thức về phòng tránh cho cán bộ lãnh đạo địa phương và cả những người dân thường, để khi xây dựng kế hoạch các công trình thì có tính toán đến những thay đổi có thể do biến đổi khí hậu...

Biện pháp quan trọng khác là trồng rừng để hạn chế lũ và lũ quét ở các vùng núi.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 1.378