Giai đoạn bất ổn mới của vỏ trái đất: Có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, số các trận động đất lớn được ghi nhận xảy ra ngày càng nhiều. Đầu thế kỷ 20, các trận động đất mạnh mới xảy ra lác đác rơi vào các năm 1906 (Mỹ), 1923 (Nhật Bản), 1960 (Chile), và 1963 (Macedonia).

Đến các thập kỷ sau, tần suất xuất hiện động đất lớn có vẻ ngày càng dày hơn như trận năm 1970 (Peru), năm 1972 (Nicaragua), năm 1976 (Mexico), năm 1985 (Trung Quốc), năm 1988 (Armenia), và năm 1993 ở ấn Độ.

Từ đó, số lần các trận động đất lớn tăng hơn nữa. Trong sáu năm còn lại của thập kỷ 90, gần như năm nào cũng xảy ra, trừ năm 1996, với tổng cộng bảy trận. Riêng năm 1995 có hai trận và năm 1999 ba trận.

Những nạn nhân sống sót sau trận động đất ở Indonesia vẫn chưa hết kinh hoàng (Ảnh: BTP)

Và từ năm 2000 đến nay, tần suất xuất hiện động đất lớn thuộc hàng cao nhất trong vòng một thế kỷ qua và xảy ra tất cả các năm, trừ năm 2000.

Tính từ năm 2001 đến ngày 27/5/2006 vừa qua, thời điểm xảy ra động đất ở Indonesia, có tới 13 trận động đất lớn được ghi nhận. Riêng 5 tháng đầu năm nay xảy ra hai trận dữ dội. Năm ngoái ba trận. Năm kia hai trận. Và trước đó nữa tới bốn trận.

Nếu không kể trận động đất kỷ lục 9,5 độ richter năm 1960 ở Chile, các nhà khoa học nhận thấy các trận động đất càng về sau cường độ càng có vẻ mạnh hơn. Cộng với tần suất xuất hiện dày đặc hơn, các nhà địa chất đang nghĩ đến một thời kỳ chuyển dịch mới của vỏ trái đất theo chu kỳ.

- Động đất ở Java (Indonesia) hôm 27/05 được một số nhà khoa học cho là dấu hiệu của giai đoạn bất ổn mới của cái gọi là vòng cung Lửa Thái Bình Dương cách không xa Việt Nam ta.

- Một dự án thiết lập mạng lưới quan trắc động đất ở Việt Nam trị giá 5 triệu USD do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại đang chờ phê duyệt.

Giả thuyết đó, bị phản đối khá nhiều, nếu thành hiện thực, gần như đồng nghĩa với việc các nước ở vùng tiếp giáp với các mảng lục địa lớn có thể đón nhận nhiều trận động đất hơn, nhất là vùng Vòng cung Lửa Thái Bình Dương.

Indonesia nằm trong khu vực gọi là Vòng cung Lửa Thái Bình Dương, nơi chiếm 90% số vụ động đất trên toàn thế giới.

Việt Nam vẫn yên bình?

Việt Nam ta tuy không sát Vòng cung Lửa TBD như Indonesia song cũng nằm ở vị trí được xác định có nguy cơ. Tuy nhiên, dưới con mắt các nhà khoa học Việt Nam, sự lo ngại trên có vẻ được xem là thái quá.

“Trận động đất vừa rồi ở Indonesia chẳng có mấy đặc biệt nếu biết nước này còn nằm trên một đứt gãy lớn khác”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (IoG), Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam, nói.

Các bác sĩ đang điều trị cho một người bị thương. (Ảnh: AFP)

Theo PGS Thủy, nếu kể đến động đất mạnh 5 độ richter ở Indonesia, hầu như ngày nào cũng có. Động đất 6 độ và trên đó nữa cũng khá thường xuyên. Còn Việt Nam, vẫn theo PGS Thủy, thuộc nhóm các nước có mức độ động đất trung bình yếu.

Ngoài mấy trận động đất nhỏ hồi tháng 5 và tháng 8 năm 2005 ở ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, PGS Thủy cho biết cả nước cũng chỉ ghi nhận lẻ tẻ vài trận động đất mà lớn nhất cũng chỉ khoảng 4 độ richter.

Gần đây nhất, hồi 0h00 sáng 4/4, một trận động đất mạnh 4,3 độ richter xảy ra ngoài khơi vùng biển thuộc tỉnh Nam Định, cách bờ biển huyện Hải Hậu khoảng 100 km.

Trận động đất xảy ra trên đứt gãy sông Hồng kéo dài ra biển Đông. Những ghi nhận trước đây cho thấy, từng xảy ra động đất mạnh 3 độ richter tại vùng biển Nam Định. Theo dự báo của IoG, động đất tại khu vực này có thể mạnh tới 6 độ richter.

Các cam kết tài trợ mới nhất cho dân vùng bị nạn tính đến chiều Chủ nhật, 28-5 (nguồn BBC)

Anh Quốc- 5,5 triệu USD; Liên minh Châu Âu – 3,8 triệu USD; Mỹ- 2,5 triệu USD; úc – 2,3 triệu USD;  Trung Quốc – 2 triệu USD; Canada – 1,8 triệu USD

“Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan”, PGS Thủy cảnh báo, “Vì còn lâu con người mới đủ sức dự báo chính xác điều gì sẽ xảy ra”.

Hiện tại, 25 trạm đo địa chấn toàn quốc có thể xác định và giúp thông báo kịp thời các trận động đất từ 3 độ richter. Tuy nhiên, các trạm này phân bố không đồng đều. Từ Quảng Trị đổ vào, chỉ có ba trạm đặt ở Huế, Đà Lạt, và Nha Trang. “Vì thế các rung chấn phía Nam thường không được phát hiện kịp thời như phía Bắc”, PGS Thủy thừa nhận.

Được Thủ tướng Chính phủ cho phép hồi tháng 3/2006, IoG đang gấp rút xây dựng dự án tăng cường tiềm lực cảnh báo động đất và sóng thần ở Việt Nam. Theo đó, hệ thống máy móc mới sẽ được lắp đặt trải dài khắp đất nước và đảm bảo năng lực cảnh báo động đất từ 4 độ richter.

Mặt khác, một dự án thiết lập mạng lưới quan trắc động đất trị giá 5 triệu USD do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cũng đã được xây dựng và hiện đang chờ Bộ Kế hoạch&Đầu tư nước ta phê duyệt. 

Quốc Dũng

Theo Báo Tiền phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video