Giải mã bí ẩn "núi ma"

Dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy dãy núi nằm sâu dưới dải băng Nam cực từng “chết đi sống lại” cách đây hàng trăm triệu năm.

Dãy Gamburtsev - có kích cỡ bằng dãy Alps ở châu Âu - nằm sâu dưới dải băng đông Nam cực. Việc phát hiện ra dãy núi này vào cuối những năm 50 thế kỷ trước là một sự ngạc nhiên lớn đối với giới nghiên cứu.

Dãy Gamburtsev là nơi mà dải băng nổi tiếng bắt đầu cuộc “diễu hành” trên khắp Nam cực. Giải mã bí ẩn dãy núi này sẽ cung cấp thêm thông tin cho các cuộc nghiên cứu về khí hậu, giúp tìm hiểu những thay đổi trước đây trên trái đất và cả những kịch bản tương lai của hành tinh xanh.

Tiến sĩ Fausto Ferraccioli, chuyên viên điều tra chính của dự án “tỉnh Gamburtsev của Nam cực” (AGAP), cùng cộng sự đã bay tới bay lui trên khu vực phía đông của lục địa trắng, vẽ hình dạng dãy núi bí ẩn bằng radar xuyên băng, dùng địa chấn kế thăm dò sâu bên trong trái đất. Nhóm AGAP tin rằng tất cả những dữ liệu này có thể giải thích sự hình thành dãy Gamburtsev.


Phác thảo hình ảnh 3 chiều dãy Gamburtsev, tầng trên là lớp băng che phủ

Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn 1 tỉ năm, rất lâu trước khi sự sống hình thành trên hành tinh xanh, khi các châu lục đang trôi giạt. Sự va chạm sau đó đã hình thành những ngọn núi và cũng tạo ra một “gốc” dày đặc bên dưới, nằm trong vỏ trái đất.

Qua hàng trăm triệu năm, những đỉnh núi này từ từ bị mòn đi, chỉ phần gốc lạnh giá là được bảo toàn. Thế rồi, cách đây khoảng 250 -100 triệu năm, khi các con khủng long khổng lồ rảo bước trên hành tinh, lớp vỏ trái đất bắt đầu vỡ toạc ra. Sự rạn nứt đã làm ấm và hồi sinh phần gốc, cung cấp cho nó sức mạnh cần thiết để nâng đất lên một lần nữa nhằm tái tạo những ngọn núi. Quá trình nâng vẫn tiếp tục khi các thung lũng sâu bị cắt ngang sau đó bởi những dòng sông và sông băng.

Và chính những sông băng đó cũng đã viết chương cuối cùng cách đây khoảng 35 triệu năm, khi chúng nhập chung lại để hình thành dải băng đông Nam cực, chôn vùi dãy Gamburtsev. “Cuộc nghiên cứu này giải đáp bí ẩn về việc làm sao lại có những dãy núi trẻ trong lòng một lục địa già. Trong trường hợp này, dãy Gamburtsev có thể đã hoàn toàn bị mòn để rồi mọc trở lại một cách kỳ diệu”, tiến sĩ Robin Bell - một thành viên khác của nhóm nghiên cứu - phát biểu với BBC.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu sẽ là khoan xuyên qua lớp băng và vào núi để thu thập những mẫu đá đầu tiên của Gamburtsev.

Theo BBC, Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video