Giải pháp phủ tảo trên sa mạc Sahara

Trên sa mạc Sahara - một trong những nơi có môi trường khắc nghiệt cùng cực - đang nảy sinh một giải pháp tự nhiên đối đầu biến đổi khí hậu. Đó chính là tảo! Tảo hấp thu CO2 trong khí quyển, nhả ra ôxy lúc quang hợp - quá trình này diễn ra trước cả khi những thực vật trên cạn đầu tiên xuất hiện.

Công ty khởi nghiệp Brilliant Planet (BP) của Anh đã thuê 6.100 ha đất ngoài thị trấn hẻo lánh Akhfenir, nằm trên bờ biển phía Nam Morocco. Khu đất có Đại Tây Dương chặn phía Bắc và Sahara khóa phía Nam. Giám đốc điều hành (CEO) BP, ông Adam Taylor, cho biết công ty đã phát triển được cách nuôi tảo rất nhanh, phỏng theo các đợt tảo rộ lên trong tự nhiên.

Một ống tảo thí nghiệm có thể phủ kín 16 hồ khổng lồ chứa nước biển địa phương - tương đương 77 hồ bơi chuẩn Olympic - chỉ trong 30 ngày. Sau đó, tảo được vớt ra và phun khắp bề mặt sa mạc từ độ cao 10 tầng lầu. Mất chừng 30 giây để chúng rơi xuống mặt đất, trong tình trạng khô kiệt vì không khí nóng. Những vảy tảo khô đẫm muối còn lại được chôn dưới cát, nằm đó hàng ngàn năm với lượng carbon mà chúng đã hấp thu - theo BP.

"Các giải pháp dựa vào tự nhiên rất hiệu quả trong việc loại trừ carbon. Môi trường sa mạc chưa được tận dụng đúng cách. Thuê đất ở đây chẳng tốn bao nhiêu tiền mà còn được các chính phủ ủng hộ" - ông Taylor nói với đài CNN.


Địa điểm trồng tảo thử nghiệm của Brilliant Planet ở Akhfenir - Morocco. (Ảnh: BRILLIANT PLANET)

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) ước tính tới năm 2100 phải loại bỏ hàng tỉ tấn CO2 khỏi khí quyển mới giúp nhiệt độ trái đất không tăng thêm quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vạch đích đã có nhưng đường đi đến đó còn ngổn ngang tranh cãi, với hàng loạt giải pháp thu giữ carbon được đề xuất.

Thu hút chú ý nhiều nhất là công nghệ thu giữ carbon trực tiếp từ không khí. Nhận được nhiều tỉ USD đầu tư từ Bộ Năng lượng Mỹ, công nghệ này sử dụng máy móc với các bộ lọc để loại CO2 khỏi khí quyển, sau đó trữ dưới lòng đất hoặc dùng trong sản xuất vật liệu như bê-tông. Những giải pháp khác thiên về "thuận theo tự nhiên" như trồng cây, dùng than sinh học, năng lượng sinh học…

Theo ông Taylor, giải pháp của BP có thể loại bỏ CO2 khỏi khí quyển (tính theo hecta) nhiều gấp 30 lần một khu rừng thường thấy ở châu Âu và hiệu quả này là lâu dài. Từ chỗ thử nghiệm trên diện tích 3 ha, BP có kế hoạch thành lập nông trại rộng 200 ha rồi lên tới 1.000 ha tại khu đất thuê ở Akhfenir.

Dự tính của BP là bán tín chỉ carbon để lấy tiền hoạt động và mở rộng; mục tiêu xa hơn là loại được 1 triệu tấn CO2/năm - tương đương lượng phát thải hằng năm của 217.000 ô tô - vào cuối thập kỷ này. Để đạt được mục tiêu ấy, cần 10.000 ha ở nhiều địa điểm và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD, theo ông Taylor.

"Chúng tôi đã xác định được chừng nửa triệu km2 đất sa mạc kề biển phù hợp yêu cầu" - CEO BP cho hay, đồng thời tiết lộ địa điểm kế tiếp có thể ở Namibia. Đến nay, BP đã nhận được 26 triệu USD đầu tư và lên kế hoạch gọi vốn lần nữa trong năm nay.

Về ý tưởng của BP, bà Fatna Ikrame El Fanne, chuyên gia môi trường của Morocco, cho rằng việc sử dụng tảo là "một chiến lược mới và hứa hẹn". Điều kiện địa lý của nước này cũng phù hợp với dự án.

"Morocco có nhiều sa mạc khổng lồ có thể sử dụng cho các dự án thu giữ carbon" - bà El Fanne đánh giá. Tuy nhiên, bà lưu ý sản xuất vi tảo quy mô lớn có thể phá hoại hệ sinh thái địa phương, gây căng thẳng nguồn nước và biến đổi môi trường sống.

Cập nhật: 12/09/2023 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video