Việc tìm thấy hàm lượng DNA khác loài trong các con cá voi xanh Đại Tây Dương có thể đặt ra nhiều câu hỏi mới về di truyền và quan hệ giữa các loài trong môi trường biển.
Theo Live Science, phát hiện trên cho thấy một quần thể cá voi xanh lai giữa hai loài, có khả năng sinh sản cao, có thể đang âm thầm "gia tăng quân số" ở Đại Tây Dương.
Cá voi xanh - (Ảnh: Gerard Soury).
Cá voi xanh (Balaenoptera musculus) vốn là động vật lớn nhất mọi thời đại với chiều dài lên đến 34m.
Quần thể cá voi xanh đã giảm mạnh vào đầu thế kỷ XX do hoạt động săn bắt thương mại ở mức độ cao, khiến chúng rơi vào Sách Đỏ quốc tế với vị trí là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Thế nhưng, dường như chúng đang tìm ra một cách mới để len lỏi vào cây sự sống đại dương: Giao phối dị chủng.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Conservation Genetics, nhóm nghiên cứu đã phân tích bộ gene của cá voi xanh Đại Tây Dương với mục đích ban đầu là tìm dấu hiệu cận huyết, điều có thể ngăn cản sự phục hồi của quần thể.
Nhưng họ đã hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện các con cá voi được lấy mẫu đều chứa trung bình 3,5% DNA của cá voi vây (cá voi lưng xám Balaenoptera physalus), một loài nhỏ hơn một chút.
Những đứa con lai giữa hai loài này từng được phát hiện, nhưng các nhà nghiên cứu trước đó cho rằng chúng vô sinh.
Phát hiện mới cho thấy chúng không những vô sinh mà có thể còn có khả năng sinh sản cao, tiếp tục giao phối với nhau hoặc với cá voi xanh "thuần chủng".
"Mức độ xâm nhập giữa các loài mà chúng tôi tìm thấy rất bất ngờ" - nhà di truyền học sinh thái Mark Engstrom từ Đại học Toronto (Canada) nhìn nhận.
Sự xâm nhập xảy ra chỉ một chiều, tức không có hiện tượng DNA cá voi xanh xâm nhập vào các con cá voi vây, có thể do quần thể cá voi vây đông đảo hơn.
Theo TS Engstrom, đây là tin tốt bởi vì điều đó có nghĩa quần thể cá voi xanh có cơ hội phục hồi nhờ sự đa dạng di truyền này, thứ giúp chúng không bị cận huyết, sinh sản tốt hơn và chống chọi với môi trường tốt hơn.