Một trận giông bão với cường độ cực lớn đã bất ngờ ập xuống một số bang bờ Đông nước Mỹ tối 29/6, trong đó có thủ đô Washington, quật đổ hàng nghìn cây cối và các ngôi nhà, làm hàng triệu người bị mất điện kéo dài, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Trận giông bão với tốc độ gió khoảng 120km đã xảy ra trong dịp khu vực này đang phải hứng chịu đợt nóng khủng khiếp nhất trong tám thập kỷ qua.
Hậu quả của trận bão được nhìn thấy ở khắp thủ đô Washington và hai bang lân cận là Virginia và Maryland. Trên khắp các tuyến đường của ba bang trên cùng với bang Virginia Tây lân cận, ngay trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội và Nhà Trắng đâu đâu cũng nhìn thấy cây cối bị quật đổ, hầu hết hệ thống đèn giao thông bị mất điện. Ngay cả mạng lưới thông tin điện thoại di động cũng bị gián đoạn tại nhiều khu vực.
Giông bão lớn khiến cây cổ thụ bật gốc
Thống đốc ba bang bị thiệt hại nặng nề nhất là Virginia, Virginia Tây và Ohio trong ngày 30/6 đã đồng loạt công bố tình trạng khẩn cấp. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn tại các bang này cũng đã được huy động và sẵn sàng sử dụng mọi nguồn lực để giúp các cộng đồng dân cư bị nạn, nhất là trong tình hình thời tiết được cảnh báo sẽ còn có thêm các đợt bão lớn.
Theo giới hữu trách các địa phương, ít nhất đã có một chục người bị thiệt mạng, trong đó có sáu người thuộc bang Virginia. Một số người bị chết do cây đổ đè lên người.
Khoảng 4 triệu người đã bị mất điện kéo dài sang ngày 30/6, trong đó có khoảng 2,5 triệu người thuộc bang Virginia. Một số tuyến giao thông đường bộ, tàu hỏa, tàu điện ngầm và cả sân bay trong khu vực đã phải tạm ngừng hoạt động do cây cối đổ rạp hoặc do hệ thống máy tính chỉ huy bị mất điện.
Trận giông bão gây chết người trên đây xảy ra vào dịp các bang trong khu vực này trong hai ngày qua phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong gần 80 năm qua.
Tại thủ đô Washington, nhiệt độ ngoài trời trong hai ngày qua ở mức trung bình 37 độ C (104 độ F), cao hơn mức kỷ lục 101 độ F cùng thời kỳ này của năm 1934. Cảnh báo lũ lụt cũng được ban bố tại nhiều bang dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ.