Hai người đàn ông đang chèo ván ở ngoài khơi biển phía nam California (Mỹ) thì bất ngờ bị một sinh vật to lớn có hình dáng kỳ lạ ngoi lên từ dưới nước để "hỏi thăm". Cả hai đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy sinh vật này tới gần mình.
Các chuyên gia chưa biết kích thước của con cá khổng lồ nhưng tấm ván dài 4,3m, dựa theo ảnh chụp, cá mặt trăng nhiều khả năng dài 2,7 - 3m.
Rich German, một trong hai người chèo ván, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Project O chuyên bảo vệ, phục hồi và bảo tồn đại dương, bắt gặp con cá hôm 2/12.
Con cá có thể thuộc loài cá mặt trăng thường (Mola mola). Loài cá này sống ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới, thường bơi quanh khu vực ven biển California.
Cá M. mola ăn mọi con mồi dưới biển, bao gồm cá nhỏ, ấu trùng cá, mực và động vật thân mềm, sứa biển và sống đuôi.
Cá mặt trăng cái có thể đẻ tới 300 triệu trứng một lần, nhiều nhất trong số động vật có xương sống. Khác với bố mẹ, cá mặt trăng con rất nhỏ, chỉ dài vài milimet. Sự chênh lệch kích thước lớn đến mức các nhà khoa học phải sắp trình tự ADN để xác nhận chúng thuộc cùng loài. Sau khi lớn lên, cá mặt trăng có đôi mắt to, chiếc đầu khổng lồ và vây lưng cao, đôi khi bị nhầm với vây cá mập khi bơi gần mặt nước.
Con cá mặt trăng bơi gần mặt nước ở bãi biển Laguna.
Cá mặt trăng rất dễ bị tấn công bởi sư tử biển, cá voi sát thủ và cá mập, nhưng nạn đánh bắt quá mức và bắt nhầm là nguyên nhân chính khiến số lượng của chúng sụt giảm. Đó là lý do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp cá mặt trăng vào danh mục "động vật dễ tổn thương".
Kích thước của M. mola được phát hiện lần này lớn hơn con cá có xương nặng nhất từng được ghi nhận trước đó là cá mặt trăng đầu gồ (Mola alexandrini) dài 2,7m và nặng 2.300kg bắt ở ngoài khơi Nhật Bản năm 1996, theo Kỷ lục Thế giới Guinness.