Hàn Quốc đi tìm công nghệ trường xuân

Người Hàn Quốc muốn được trường xuân bất lão và họ làm điều này một cách nghiêm túc theo cách của mình.

Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng (ảnh: korean.net)

Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng và nước này dự định chi hơn 20 triệu USD trong 10 năm tới để khám phá bí mật kéo dài tuổi xuân. Khoản đầu tư này nhằm giúp con người duy trì được sự năng động để bù cho tỷ lệ sinh hiện ở mức rất thấp.

Từ nay đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc có kế hoạch tài trợ 19,8 tỉ won (20,6 triệu USD) cho các nhà khoa học nghiên cứu phương pháp chống già. "Khoản tiền này không đủ để ngăn tình trạng dân số già đi nhưng có thể giúp xã hội lành mạnh hơn. Qua đó, Hàn Quốc sẽ trở thành một siêu cường trong lĩnh vực công nghệ sinh học", Cho Seong-chan, phụ trách Vụ Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu.

Lão hóa nhanh nhất

Kế hoạch trên phản ánh mối lo của Hàn Quốc trước thực trạng dân số già bắt đầu vào năm 2000, khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi vượt 7%. Tỷ lệ sinh giảm là một xu hướng toàn cầu nhưng hiện tượng này đặc biệt rõ rệt tại Hàn Quốc. Theo chuyên gia Moon Hyung-pyo thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc, xã hội xứ kim chi đang lão hóa với tốc độ nhanh nhất thế giới. Số người trên 65 tuổi sẽ chiếm 37% dân số vào năm 2050. Ông Moon cho rằng tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội và y tế không phải là phương thuốc hoàn hảo. Ông đề nghị Hàn Quốc nên thúc đẩy tỷ lệ sinh và tạo điều kiện để người có tuổi được khỏe mạnh và làm việc lâu hơn. Nếu không, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ 4,7% hiện nay xuống còn 2,91% vào năm 2020 và 1,6% vào năm 2030.

Hàn Quốc là "kẻ đến sau" trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Giới khoa học nước này từng bị sốc sau scandal liên quan đến giáo sư Hwang Woo-suk, người đang bị xét xử về công trình nghiên cứu "tế bào gốc dỏm" của mình. Hwang, 52 tuổi, trở thành một anh hùng dân tộc khi tuyên bố rằng nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra được những tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân trong một nghiên cứu có tính đột phá về nhân bản, mở đường cho việc tìm ra những cách chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau.

Nhưng sau đó, Hwang và 5 đồng sự khác bị kết tội lừa đảo, biển thủ và vi phạm đạo đức sau khi một nhóm chuyên gia phát hiện các tuyên bố của họ không có cơ sở. Các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết scandal này không ảnh hưởng đến các nỗ lực của họ nhằm phát triển các công nghệ chống lão hóa.

Phát hiện bước đầu

"Hwang chỉ là trường hợp cá biệt. Hàn Quốc có nhiều nhà khoa học ưu tú có thể sánh với các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong việc chế tạo các sản phẩm công nghệ sinh học", giáo sư Kim Tae-kook của Viện Khoa học và Công nghệ bậc cao Hàn Quốc nói. Hồi tháng 6, ông Kim tuyên bố đã tạo ra một phân tử tổng hợp cho phép các tế bào của con người tránh được lão hóa và làm cho chúng "trẻ" hơn. Ông Kim cho biết đây là lần đầu tiên trên thế giới con người tạo ra một chất có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào và đồng thời tạo một phản ứng ngược lại. Ông hy vọng chất CGK733 có thể giúp chữa lành vết thương, sản xuất mỹ phẩm chống lão hóa và tái tạo mô. Công trình của ông đã được đăng trên tạp chí khoa học Nature Chemical Biology.

Kế hoạch chế tạo công nghệ chống lão hóa là một phần của một chiến dịch toàn diện chống tỷ lệ sinh giảm tại Hàn Quốc. Dù được ưu đãi, nhiều thanh niên Hàn không sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp để lập gia đình. Một số coi con cái là gánh nặng đối với cuộc sống và sự nghiệp. Hậu quả là tỷ lệ sinh giảm xuống mức kỷ lục 1,08 con/phụ nữ vào năm 2005, từ mức 2,6 con trước đó. Dự đoán dân số Hàn Quốc sẽ giảm từ 48 triệu trong năm 2006 xuống còn 40 triệu vào năm 2050.

Trùng Quang

Theo Muzi, AP, Thanh niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video