Hành tinh nào có hệ vành đai mở rộng nhất trong Hệ Mặt trời?

Galileo Galilei là người đầu tiên quan sát thấy vành đai của một hành tinh trong Hệ Mặt trời năm 1610, nhưng bối rối vì nó thoắt ẩn thoắt hiện.

Câu hỏi

Câu 1: Hành tinh nào có hệ vành đai mở rộng nhất trong Hệ Mặt trời?

a. Sao Thổ

b. Sao Thủy

c. Sao Hỏa

Câu 2: Sao Thổ là hành tinh lớn thứ bao nhiêu trong Hệ Mặt trời?

a. 2

b. 3

c. 4

Câu 3: Sao Thổ được đặt tên theo vị thần nào?

a. Thần sắc đẹp

b. Thần chiến tranh

c. Thần nông nghiệp

Câu 4: Vệ tinh lớn nhất của sao Thổ là gì?

a. Io

b. Titan

c. Ganymede

Câu 5: Tàu vũ trụ nào của NASA kết thúc sứ mệnh khám phá sao Thổ bằng cách đâm thẳng xuống hành tinh này, sau 20 năm được phóng lên không gian?

a. Juno

b. Cassini

c. MarCO-A và MarCO-B

Đáp án

Câu 1: a - sao Thổ. Được trang hoàng bởi hệ thống vành đai rực rỡ, sao Thổ có vẻ ngoài độc đáo. Ba hành tinh khí khổng lồ khác, gồm sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương (cùng sao Thổ tạo nên nhóm bốn hành tinh vòng ngoài) cũng có hệ vành đai nhưng không lớn và không phức tạp bằng.

Năm 1610, Galileo Galilei lần đầu quan sát thấy vành đai sao Thổ qua ống kính viễn vọng, nhưng không hiểu bản chất của nó và cho rằng sao Thổ có hai vệ tinh ở sát hai bên. Hai năm sau, khi nhìn sao Thổ lần nữa vào thời điểm mặt phẳng chứa các vành đai hướng trực tiếp đến Trái đất, ông nhận ra các vệ tinh đó đã biến mất. Hai năm nữa, Galileo lại quan sát và bối rối khi thấy chúng trở lại.

Đến năm 1655, nhà thiên văn học Hà Lan Christiaan Huygens mới chỉ ra được bản chất là sao Thổ có một vành đai bao quanh.

Câu 2: a - 2. Hệ Mặt trời có Mặt trời là ngôi sao ở trung tâm. Các thiên thể khác như các hành tinh, tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi, và bụi quay quanh Mặt trời.

Tám hành tinh thuộc Hệ Mặt trời bao gồm: Sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương (theo thứ tự gần Mặt trời nhất).

sao Thổ là hành tinh thứ sáu từ Mặt trời trở ra và hành tinh lớn thứ hai trong Hệ Mặt trời, sau Sao Mộc.

Câu 3: c - thần nông nghiệp. Giống tất cả hành tinh khác, sao Thổ được đặt tên theo một nhân vật trong thần thoại. Người La Mã cổ đại gọi hành tinh này là Saturn, bắt nguồn từ thần nông nghiệp và thu hoạch. Vị thần tương ứng trong thần thoại Hy Lạp là thần Cronos, cha của thần Zeus.

Vị thần Saturn mang theo một cái liềm ở tay trái và một bó lúa mì ở tay phải. Do đó, ký hiệu thiên văn của hành tinh là (♄), thể hiện cái liềm của vị thần này.

Về sau, Saturn cũng được xem là vị thần của thời gian. Nhiều tài liệu lý giải, việc sao Thổ quay quanh trục rất nhanh và quay quanh Mặt trời rất chậm có thể là lý do khiến người xưa liên hệ với thần thời gian.

Thứ bảy trong tiếng Anh, Saturday, cũng được đặt tên theo thần Saturn.

Câu 4:  b - Titan. Titan là vệ tinh lớn nhất của sao Thổ và lớn thứ hai trong Hệ Mặt trời, sau Ganymede của Sao Mộc. Nó là vệ tinh duy nhất trong Hệ Mặt trời có những đám mây và bầu không khí dày đặc giống như hành tinh.

Các nhà khoa học cho rằng các điều kiện trên Titan tương tự những năm đầu tiên của Trái đất. Khác biệt quan trọng là Trái đất ấm hơn do gần Mặt trời hơn.

Câu 5: b - Cassini. Ngày 15/10/1997, tàu Cassini được phóng lên theo dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để khám phá sao Thổ. Mất 7 năm du hành trong vũ trụ, con tàu mới tiếp cận được quỹ đạo hành tinh này. Trong suốt 13 năm sau đó, Cassini liên tục gửi về Trái đất những dữ liệu khoa học quý giá như các mặt trăng ẩn, giếng phun, hồ nước muối hay cơn bão lớn ở cực bắc sao Thổ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại Cassini khi hết nhiên liệu sẽ đâm vào hai vệ tinh có thể tồn tại sự sống quay quanh sao Thổ, Titan và Enceladus, mang theo những vi khuẩn của Trái đất. Do đó, NASA quyết định để con tàu đâm xuống sao Thổ để kết thúc sứ mệnh của mình ngày 15/9/2017.

Cập nhật: 25/06/2020 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video