Các vệ tinh dần dần rời xa hành tinh mà chúng quay xung quanh.
Điều này xảy ra trong trường hợp Mặt trăng – vệ tinh tự nhiên của Trái đất: Mỗi năm, Mặt trăng rời xa Trái đất khoảng 3,8 cm. Tương tự đối với trường hợp Titan – vệ tinh lớn nhất của sao Thổ: Nó đang rời xa sao Thổ với tốc độ khoảng 11 cm/năm – nhanh hơn so với dự đoán.
Vệ tinh Titan và sao Thổ.
Các nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Nature Astronomy" (Vương quốc Anh) liên quan tới vệ tinh Titan và 5 vệ tinh khác của sao Thổ. Các nhà khoa học nhận được dữ liệu mới về cái gọi là hệ số Q (Tidal Quality Factor) – hệ số thể hiện ảnh hưởng của trọng lực các thiên thể trong hệ thống đối với một thiên thể nào đó. Hóa ra, đối với sao Thổ, hệ số Q nhỏ hơn 100 lần so với tính toán ban đầu. Điều đó có nghĩa là Titan rời xa sao Thổ nhanh hơn 100 lần so với giả định.
Phát hiện mới này không chỉ là quan trọng đối với việc hiểu tương lai của hệ thống sao Thổ, mà còn giúp hiểu quá khứ của nó. Tốc độ "trôi dạt", rời xa hành tinh có thể được sử dụng để xác định tuổi và nơi hình thành của nhiều vệ tinh. Đối với trường hợp sao Thổ, toàn bộ hệ thống phải phát triển nhanh hơn so với giả định trước đây. "Kết quả này mang lại yếu tố quan trọng mới đối với vấn đề tuổi của hệ thống sao Thổ và cách hình thành các vệ tinh của sao Thổ" - Tiến sĩ Valery Lainey ở Đại học PSL (Pháp), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết như vậy.
Titan ở cách sao Thổ 1,2 triệu km và là một trong 82 vệ tinh của sao Thổ. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng các vệ tinh ở xa nhất rời đi chậm hơn; tuy nhiên vài năm trước xuất hiện giả thuyết cho rằng cả vệ tinh bên trong lẫn vệ tinh bên ngoài rời hành tinh với tốc độ như nhau.
Các dữ liệu nghiên cứu được dựa trên các quan sát của tàu thăm dò Cassini của NASA – con tàu đã khảo sát sao Thổ trong 13 năm liền. Sứ mệnh Cassini chính thức kết thúc vào tháng Chín năm 2017, tuy nhiên các thông tin do con tàu thu thập vẫn được sử dụng cho đến tận ngày nay.