Đám cháy ở bang Victoria thiêu trụi lớp cây cỏ rậm rạp, để lộ những con kênh thuộc hệ thống dẫn nước lâu đời hơn cả kim tự tháp Ai Cập.
Hệ thống kênh dẫn nước do người bản xứ Australia xây dựng cách đây hàng nghìn năm để bẫy và bắt lươn làm thức ăn lộ ra khi cháy rừng thiêu trụi cây cỏ rậm rạp ở bang Victoria. Công trình Budj Bim gồm nhiều con kênh, đập tràn và đập ngăn nước xây từ đá núi lửa, là một trong những hệ thống nuôi trồng thủy sản rộng và cổ nhất thế giới, theo UNESCO. Được xây dựng bởi người Gunditjmara hơn 6.600 năm trước, công trình này còn lâu đời hơn kim tự tháp Ai Cập.
Budj Bim có niên đại hơn 6.000 năm. (Ảnh: CNN).
Dù các nhà khảo cổ học đã biết tới hệ thống nuôi trồng thủy sản này từ lâu, các nhánh phụ của công trình mới lộ ra khi đám cháy hoành hành ở bang Victoria vào tháng 12. Đại diện người Gunditjmara, Denis Rose, quản lý dự án của tổ chức phi lợi nhuận Gunditj Mirring Traditional Owners Aboriginal Corporation, cho biết hệ thống lớn hơn nhiều so với ghi nhận trước đây.
"Khi quay trở lại khu vực, chúng tôi tìm thấy một kênh đào ẩn giữa lớp cỏ và nhiều loài thực vật khác. Con kênh dài khoảng 25 m. Đó là kích thước tương đối lớn. Chúng tôi rất bất ngờ khi liên tục tìm thấy các kênh nước mới do đám cháy hé lộ", Rose chia sẻ.
Hệ thống nuôi trồng thủy sản nằm trong vườn quốc gia Budj Bim được cộng đồng bản xứ xây bằng nguồn đá núi lửa dồi dào từ một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động trong khu vực. Người Gunditjmara sử dụng hệ thống để điều chỉnh dòng nước giúp tăng tối đa sản lượng thủy sản.
Đám cháy gần vườn quốc gia bùng lên do một tia sét đánh xuống khu vực hồi cuối tháng 12, lan rộng 790 hecta, theo Mark Mellington, giám đốc Cơ quan phòng chống cháy rừng bang Victoria. Để bảo vệ Di sản thế giới được UNESCO công nhận hồi tháng 7 năm ngoái, lính cứu hỏa phối hợp với cộng đồng địa phương để xác định các địa điểm quan trọng, sử dụng biện pháp dập lửa ít gây hư hại thay cho máy móc cồng kềnh. Rose chia sẻ đám cháy không gây nhiều thiệt hại cho khu vực như những vùng khác ở Australia và mang tới cơ hội tốt để khám phá thêm hệ thống nuôi trồng thủy sản cổ đại.