Một bộ sưu tập vàng vô giá của Afganistan, tưởng như đã bị Taliban phá hủy sau khi biến mất một cách bí ẩn từ gần 20 năm trước, vừa xuất hiện tại một triển lãm ở Paris ngày hôm 11-12.
Bộ sưu tập gồm hơn 200 hiện vật mang tên Kho báu vàng Bactrian, một kho cổ học xuất hiện từ thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet gần tháp Eiffel.
Đai lưng vàng khắc hình thần cưỡi trên quái thú (Ảnh: NLĐ) |
Cuộc triển lãm mang tên Afganistan – kho báu tìm lại, trưng bày 288 hiện vật. Chúng là một phần của 21.618 hiện vật làm bằng vàng, ngà voi và các loại đá quý được các nhà khảo cổ tìm thấy trong 6 lăng mộ Bactrian tại một nơi ở Tillya Tepe, thành phố khảo cổ phía Bắc Afganistan.
Trong nhiều năm, các chuyên gia từng lo sợ rằng những hiện vật quý giá này đã bị tuồn ra ngoài lãnh thổ Afganistan qua những cửa hàng tạp phẩm ở Peshawar và bị đem bán cho các nhà sưu tập tư nhân hoặc không thì cũng đã bị nấu chảy thành vàng để lấy tiền phục vụ hoạt động của nhóm Hồi giáo Jihad.
Chúng từng được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Afganistan tại Kabul, thế nhưng đã bị đánh cắp và chiếm đoạt trong khoảng thời gian nội chiến vào những năm 1990. Năm 2001, chính quyền Taliban đã cho huỷ tất cả những tác phẩm nghệ thuật còn sót lại trong chiến dịch phá huỷ “thứ nghệ thuật ngoại đạo”, làm biến mất hai bức tượng phật Bamyian nổi tiếng.
Sau đó, năm 2003, Tổng thống Hamid Karzai đã kín đáo thông báo rằng các tác phẩm bằng vàng của Bộ sưu tập đã được tìm thấy và chúng được cất giữ tại hầm ngầm của Ngân hàng Trung ương tại thủ đô Kabul.
Ông Jean-Francois Jarrige, giám đốc bảo tàng Guimet kể lại: “Cửa hầm được khoá bằng 7 chiếc khoá khác nhau, mỗi chìa khoá được trao cho bảy người khác nhau, theo đúng phong tục của người Afganistan.”
Vì lo không đủ khả năng bảo quản bộ sưu tập, Afganistan đã quyết định sẽ không trưng bày bộ sưu tập tại quê hương của nó mà gửi sang Paris.
Bộ sưu tập vô giá sẽ được trưng bày ở viện bảo tàng Guimet tại Paris từ giờ tới tháng tư năm sau, sau đó sẽ được chuyển tới những thành phố Châu Âu khác để mọi người có cơ hội thưởng thức.
Vỏ dao vàng nạm ngọc lam (Ảnh: NLĐ)