Hiểm họa từ vật nuôi

Có đến 150 bệnh mà các thú cưng có thể lây cho bạn, trong đó một số bệnh rất nguy hiểm, thậm chí gây chết người. Loại bệnh lây từ vật nuôi được y học gọi chung là zoonoses.

Đa số zoonoses đều là bệnh nhẹ, nhưng cũng có một số bệnh rất nguy hiểm. Năm 1918, cả thế giới đã kinh hoàng trước sự bộc phát nhanh chóng và khốc liệt của dịch cúm Tây Ban Nha. Dịch bệnh xuất phát từ loài lợn và đã gieo chết chóc cho khắp thế giới. Có khoảng 40 triệu người đã thiệt mạng vào thời đó.

Gần đây, một số zoonoses rất nguy hiểm cũng đã trở thành đề tài thời sự của báo chí, như các bệnh bò điên, sốt xuất huyết Ebola và Marburg virus, lây truyền từ việc ăn thịt khỉ ở châu Phi. Bệnh AIDS được cho là cũng có nguồn gốc từ một loài khỉ châu Phi biến thể, lây nhiễm cho người.

Năm 1994, Hendra virus đã xuất hiện ở Australia. Virus này từ dơi lây nhiễm cho ngựa rồi từ đó gây bệnh cho người; triệu chứng như bệnh cảm cúm và đã có vài ca tử vong. Đến năm 1999, một loại virus mới tên là Nipah cũng xuất phát từ một loài dơi, lây cho lợn và truyền sang cho người. Bệnh cũng bắt đầu bằng triệu chứng cảm cúm như đau nhức mình mẩy, sốt cao, nặng hơn thì gây biến chứng viêm não. Nipah đã làm thiệt mạng 105 người tại Malaysia năm 1999.

Một số mầm bệnh trước kia chỉ có ở các xứ nóng, nay bắt đầu thấy xuất hiện ở Bắc Mỹ, như virus Tây sông Nile lần đầu tiên được phát hiện tại New York vào năm 1999. Đây là bệnh của một số loài chim, đặc biệt là loài quạ, và được muỗi làm trung gian lây truyền cho người. Triệu chứng cũng giống như cảm cúm, ít khi gây thiệt hại về nhân mạng nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm ở người cao tuổi.

Hendra virus

Năm 2003, bệnh SARS xuất phát từ lục địa Trung Quốc đã làm thiệt mạng gần 800 người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tác nhân là một loại corona virus ngẫu biến đặc biệt, có thể xuất phát từ một loại thú rừng nào đó như cầy hương.

Đầu năm 2004, bệnh dịch cúm gà H5N1 đã bộc phát nhanh chóng tại châu Á, sau đó xâm nhập châu Âu và ngấp nghé lục địa châu Phi. Ổ truyền nhiễm cũng là các loại gia cầm mà con người chăn nuôi.

Ngoài các dịch "nóng" trên, trong đời sống, các bệnh từ vật nuôi thường gặp là thương hàn (trong phân của gia súc, gà, vịt, chim, rùa, rắn), bệnh do Hanta virus (trong phân chuột), bệnh dại, sốt do mèo cào, bệnh xoắn trùng (lây từ các loài gặm nhấm, chó, mèo, lợn, bò)...

Zoonose gây bệnh bằng cách nào?

Máu, nước bọt, phân, nước tiểu, da, lông, thịt, sữa và trứng của súc vật đều có thể là nguồn lây nhiễm cho con người. Thời tiết, khí hậu và điều kiện thiên nhiên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự xuất hiện của một zoonose. Có những bệnh chỉ tác hại ở các vùng nhiệt đới nóng và ẩm, nhưng cũng có bệnh chỉ thấy xảy ra ở vùng ôn đới mà thôi. Sâu bọ, côn trùng, ruồi, muỗi, ve, bọ chét và chim chóc đều có thể là trung gian đem mầm bệnh từ thú sang lây nhiễm cho người.

Mật độ thú quá cao trong một vùng nhất định nào đó, việc khai phá rừng, và sự lưu thông vận chuyển quá dễ dàng đều là những yếu tố thuận lợi để một zoonose có thể xuất hiện nhanh chóng. Cuối cùng là cách sinh sống của con người, chẳng hạn như sống chung với gia súc, tập quán ăn uống như ăn thịt sống, thịt tái, bò tái chanh, tiết canh cũng có thể dự phần không nhỏ vào sự xuất hiện của bệnh tật.

Cũng may là đa số bệnh của súc vật ít khi lây nhiễm sang người. Tuy vậy, gần đây một số virus đặc thù của các bệnh ở súc vật đã làm cho các nhà khoa học hết sức lo ngại, bởi lẽ chúng rất khó bị tiêu diệt và có khả năng biến thể, thích nghi dễ dàng vào môi trường mới, từ đó sẽ vượt hàng rào chủng loại để lây nhiễm sang cho người. Phương pháp chăn nuôi công nghiệp, thâm canh với quá nhiều súc vật trên diện tích nhỏ hẹp đã tạo điều kiện cho bệnh dễ phát triển. Sự khai phá rừng đã làm cho thú vật mất môi trường sống, phải lân la về những nơi đông dân cư để tìm thức ăn và đồng thời truyền bệnh cho người. Ngày nay, đồng thời với sự phát triển và bành trướng của ngành giao thông vận tải, mầm bệnh có thể theo du khách và hàng hóa đi chu du khắp thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy, có người cho rằng sự bộc phát của zoonose là cái giá mà con người phải trả cho các tiến bộ khoa học mà chúng ta đang thụ hưởng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video