Hiểm họa từ bệnh dại

  •  
  • 2.677

Đến nay, bệnh dại vẫn là bệnh không thể chữa khỏi một khi đã phát bệnh. Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 30.000- 50.000 người tử vong vì bệnh dại. Tại Việt Nam, trong những năm qua nhờ có chương trình tiêm ngừa dại rộng rãi và ý thức của người dân được nâng cao nên tỷ lệ người

Súc vật mang mầm bệnh dại dễ truyền sang cho người

Súc vật mang mầm bệnh dại dễ truyền sang cho người (Ảnh: aphis.usda.gov)

tử vong do bệnh dại dần giảm thiểu. Số người tử vong do bệnh dại của các năm 2000, 2001, 2003 lần lượt là 47 người, 60 người và 30 người. Thế nhưng, số tử vong do bệnh dại năm 2004 lại tăng lên 82 người. Vì vậy, người dân vẫn phải đề cao ý thức phòng ngừa và cảnh giác với bệnh dại để tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này.

* Căn nguyên gây bệnh dại

Bệnh dại do một loại virus có tên là rhadovirus gây ra. Virus lây truyền sang người khi người bị súc vật mắc bệnh dại cắn phải. Tỷ lệ mắc bệnh ở người tùy thuộc vào tỷ lệ mắc bệnh ở súc vật. Tại Việt Nam, súc vật lây truyền bệnh dại đến người thường gặp nhất là chó dại; ngoài ra có thể là do mèo, dơi, khỉ...

Virus dại có đặc điểm là ái tính rất mạnh đối với tế bào thần kinh. Virus tại vết cắn chỉ nhân đôi với một số lượng nhỏ ở vùng mô gần tế bào thần kinh và nếu không bị giết chết bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể, nó sẽ bắt đầu xâm nhập vào hệ thống thần kinh. Sau giai đoạn virus xâm nhập vào hệ thần kinh, đáp ứng miễn dịch do vắc-xin tạo ra sẽ không còn hiệu quả tiêu diệt virus. Các vết cắn tại đầu, mặt, cổ là nguy cơ cao gây ra bệnh dại, do khả năng virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương nhanh hơn.

* Triệu chứng của bệnh dại

Bệnh dại có thời gian ủ bệnh khoảng từ 10 ngày đến 1 năm; thời gian ủ bệnh trung bình là 30 đến 40 ngày. Trong thời gian này virus xâm nhập dần dần theo các đường dây thần kinh lên đến não; khi đó, sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại. Các biểu hiện lâm sàng của người nhiễm virus dại rất phức tạp nhưng có thể chia làm 2 thể chính:

- Bệnh dại thể não
: chiếm 70- 80% trường hợp bệnh dại. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức, sợ gió, sợ nước; cuối cùng, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn và tử vong.

- Bệnh dại thể liệt: liệt thường khởi phát đầu tiên tại chi bị cắn và dần lan sang tất cả các chi, hầu họng, cơ mặt và cơ hô hấp.

Trong cả 2 thể trên, tử vong là không thể tránh khỏi trong vòng từ 2-12 ngày sau khi khởi phát triệu chứng.

Hiện nay, với các cơ sở y tế dự phòng triển khai rộng khắp, nước ta đang dần dần khống chế được bệnh dại. Trong năm 2004, đã có 610.810 lượt người được tiêm vắc-xin dại. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 82 người phát bệnh dại và tử vong. Số tử vong này được ghi nhận trên tất cả các miền: Bắc
Vi khuẩn bệnh dại

Vi khuẩn bệnh dại (Ảnh: pathguy.com)

(40 ca), Trung (14 ca), Nam (22 ca) và Tây nguyên (6 ca). Vì vậy, khi bị súc vật cắn, người dân không nên chủ quan mà phải có ý thức tiêm ngừa.

Một trong những điều quan trọng hàng đầu là khâu xử trí vết thương ngay khi bị súc vật cắn, cào xướt hay ngay cả khi bị liếm trên vùng da bị thương nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Cần nhanh chóng thực hiện những việc sau: dùng xà phòng, hoặc chất tẩy rửa để rửa sạch vết thương nhiều lần dưới vòi nước chảy; thoa chất sát khuẩn như dung dịch cồn 70o, dung dịch cồn iốt tại vết thương. Lưu ý không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được các cán bộ tiêm ngừa và hướng dẫn thêm. Cần theo dõi súc vật cắn trong 10 ngày; nếu con vật chết trong thời gian này phải báo ngay cho cán bộ y tế dự phòng.

Có thể nói vắc-xin ngừa dại là một tiến bộ lớn của y học, giúp đẩy lùi bệnh dại và cứu sống rất nhiều người. Vắc-xin ngừa dại thực chất chính là các virus dại được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, và sau đó bị giết chết (hay còn gọi là bất hoạt). Các vắc-xin ngừa dại được chia thành 2 nhóm chính: vắc-xin Fuenzalida và vắc-xin cấy trên tế bào. Sự khác nhau chính của 2 nhóm vắc-xin dại này chính là môi trường được dùng để nuôi cấy virus.

Vắc-xin ngừa dại fuenzalida được sản xuất từ việc nuôi cấy virus trên não chuột. Do vậy, trong quá trình tinh chế để tách các virus ra sẽ rất khó khăn loại bỏ được tất cả các thành phần không cần thiết như protein, và myelin của não chuột. Chính các thành phần tồn dư này, đặc biệt là lượng myelin (một thành phần của sợi thần kinh) tồn dư, có thể gây ra các tổn thương hệ thần kinh của người được tiêm ngừa, như: viêm não - màng não, viêm tủy-màng não, viêm tủy cắt ngang... Những tổn thương này có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/8.000- 1/27.000 trường hợp được tiêm ngừa với vắc-xin fuenzalida.

Bệnh nhân mắc bệnh dại

Bệnh nhân mắc bệnh dại
(Ảnh: visualsunlimited)

Vắc-xin ngừa dại cấy trên tế bào được sản xuất từ việc nuôi cấy virus trên tế bào. Chẳng hạn như vắc-xin Verorab của Pháp được sản xuất bằng cách nuôi cấy virus dại trên tế bào Vero. Do vậy, sẽ không còn lượng myelin tồn dư và do đó không gây ra các bệnh lý não sau khi tiêm ngừa.

Trong những năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các nước nên chuyển dần sang việc sử dụng vắc-xin ngừa dại cấy trên tế bào, tiến đến việc ngưng sử dụng vắc-xin fuenzalida. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tại nước ta vẫn đang sử dụng cả 2 loại vắc-xin kể trên để người dân có thể lựa chọn.

Song song với việc tiêm ngừa bằng một trong hai loại vắc-xin trên, tùy theo vị trí vết cắn gần thần kinh trung ương như vùng đầu, mặt, cổ, vai, ngực, lưng và vùng có nhiều dây thần kinh như đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục hoặc vết thương sâu, nhiều vết cắn... bệnh nhân có thể được tiêm thêm huyết thanh kháng dại tại nơi vết thương. Mục đích tiêm huyết thanh kháng dại nơi vết thương là nhằm trung hòa lượng siêu vi trùng tại chỗ còn lại sau khi rửa vết thương, trong thời gian chờ đợi vắc-xin tạo được kháng thể cho bệnh nhân.

Đến nay, bệnh dại vẫn đang là bệnh không thể chữa khỏi một khi đã phát bệnh, và vẫn đang gây nhiều trường hợp tử vong tại Việt Nam. Do vậy, người dân cần hết sức lưu ý đề phòng súc vật cắn; khi bị súc vật cắn, cần đến ngay các cơ sở y tế dự phòng để được tiêm ngừa và tư vấn kịp thời.

BS. Nguyễn Trung Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Theo Báo Cần Thơ
  • 2.677