Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Hierapolis - Pamukkale của Thổ Nhĩ Kỳ là Di sản thế giới năm 1988.
Thành cổ Hierapolis và suối tuyết Pamukkale tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hierapolis là thành phố Hy lạp cổ tại Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố này được gọi với tên gọi “Thành phố linh thiêng”. Còn Pamukkale lại là một thị trấn du lịch nổi tiếng được gọi là “ lâu đài bông”. Hai địa điểm này được Unesco công nhận là Di sản thế giới thuộc danh mục hỗn hợp.
Thành phố linh thiêng Hierapolis tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hierapolis nằm ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ gần Denizli, thành phố được hình thành trong thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Khác với tất cả các thành phố cổ đại khác, không phải trên nền đất hoặc trên đá bình thường mà thành phố Hierapolis hình thành trên các lớp đá vôi rắn. Thành phố được xây dựng trên đỉnh đầu của thác nước canxi trắng xóa, với tổng chiều dài lên đến 2700 m, rộng 600 m và cao 160 m. Nơi đây có những con suối địa nhiệt trĩu nặng muối canxi chảy qua các gờ cao nguyên, trải qua nhiều thiên niên kỉ đã hình thành nên một chuỗi nhũ đá, thác nước canxi trắng với một loạt các lòng chảo bậc thang.
Suối nước nóng tại thành phố được sử dụng như một nơi trị liệu từ thế kỉ thứ 2 trước công nguyên. Người dân đến đây để xoa dịu sự đau đớn về bệnh tật và phiền não trong tâm hồn. Thậm chí nhiều người còn chọn nơi này làm nơi nghỉ hưu và qua đời. Nghĩa trang của thành phố không chỉ có dân thường mà còn là nơi yên nghỉ của hoàng đế Marcus Aurelius của đế chế La Mã.
Những công trình kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn của thành phố linh thiêng Hierapolis tại Thổ Nhĩ Kỳ
Những công trình cổ đại đến nay đều đã bị hư hãi ít nhiều, tuy nhiên vẫn còn những dấu tích rõ rệt về một thời hoàng kim của thành phố này như: Đền thờ, nhà hát, phòng tập thể dục, nhà tắm công cộng; nghĩa trang; nhà ở của dân…
Hierapolis được hình thành từ nhu cầu chăm sóc chữa bệnh của người Hy Lạp cổ. Thành phố vì thế như là một trung tâm chăm sóc - chữa bệnh mà người xưa đã khám phá ra việc tận dụng nguồn nước khoáng địa nhiệt trong khu vực. Đây cũng đồng thời là một minh chứng cho trí tuệ của đế chế La Mã.
Tên Hierapolis theo tiếng La Mã có nghĩa là “thành phố linh thiêng ”. Sở dĩ thành phố mang ý nghĩa như vậy là do nơi đây được đầu tư xây dựng nhiều đền đài lớn. Tính đến triều đại của Augustus, thành phố Hierapolis đã chính thức được mô tả trên đồng tiền xu-thành phố của những ngôi đền.
Hiện nay ngôi đền của các vị thần Hy Lạp cổ đại chỉ còn lại là nền móng. Những ngôi đền mới được xây dựng lại từ những ngôi đền cũ vào thế kỉ thứ 3 trong đế chế La Mã có diện tích nhỏ hơn, nhưng giờ cũng chỉ giữ lại được sàn đá cẩm thạch. Theo tài liệu ghi chép thì những công trình kiến trúc quan trọng của thành phố hầu hết được xây dựng trong thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Công trình cổ đại đến nay vẫn còn tương đối rõ là nhà hát lớn. Khán phòng nhà hát được phân thành 9 lối đi và dọc theo là tám đại sảnh. Bốn lối vào của nhà hát có tới sáu bức tượng bằng đá cẩm thạch. Khán phòng của nhà hát có sức chứa là 1.500 người, các băng ghế ngồi xếp thành tầng bậc từ thấp lên cao và được chia thành hai phần ngăn cách nhau bởi một hành lang ngang. Những hàng ghế này ngày nay vẫn còn nguyên vẹn.
Mộ thánh Phillip được đặt trên ngọn đồi cao
Hầu hết các ngôi mộ trong khu nghĩa trang có từ cuối thời kì La Mã, Hy Lạp và thời kì đầu của Kitô giáo. Đây là mộ của những người dân từ các thành phố khác đến thành phố Hierapolis để điều trị bệnh và qua cùng với một số ngôi mộ của người dân bản địa. Số lượng người đến đây chữa bệnh quá lớn khiến nghĩa trang nhỏ ban đầu nhanh chóng trở thành một nghĩa trang rộng lớn kéo dài tới tận 2 km và ngày nay những ngôi mộ này đều được khai quật.
Nghĩa trang này là một trong di chỉ khảo cổ được bảo tồn tốt nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có tới 1200 ngôi mộ hoàn toàn được chôn cất trên nền đá vôi. Với số lượng những ngôi mộ như thế, một lần nữa chứng tỏ rằng thành phố Hierapolis đã hình thành trong thời cổ đại. Các ngôi mộ của Thánh Philip nằm trên các ngọn đồi phía sau Hierapolis. Philip là một vị thánh nổi tiếng của khu vực. Thánh Philip đã gieo cái chết của mình như là một vị tử đạo. Ngôi mộ của thánh Philip được kiến trúc sư Martyrium thời Byzantine thiết kế đặc biệt với kiến trúc hình bát giác bên dưới có mái vòm.
Pamukkale được biết đến bởi từ nghìn năm trước, thị trấn này đã có khách sạn để phục vụ du khách tham quan, chữa bệnh bằng nguồn suối nước nóng giàu khoáng chất. Theo truyền thuyết cổ xưa, các vùng nước trong những chiếc bể tự nhiên này có thể dùng để chữa bệnh huyết áp cao, bệnh tim, bệnh thấp khớp, các vấn đề về tuần hoàn, rối loạn thần kinh, chứng bệnh tiêu hóa, kiệt sức, bệnh về mắt, bệnh ngoài da và các rối loạn dinh dưỡng. Tại khu vực này có khoảng 17 suối nước nóng nhiệt độ 35 độ C đến 100 độ C.
Nhìn từ xa thấy phía sườn đồi này trắng phau, lấp lóa trong nắng như được tuyết phủ. Thật ra đó là hợp chất calcium bocarbonate trong nước suối tích tụ qua nhiều ngàn năm tạo thành những mảng đá vôi trắng tinh, xếp lớp như vỏ sò. Đó là lý do khiến Pamukkale còn được biết đến với cái tên “lâu đài bông”.
Kéo dài tới 2.700m trên dốc núi, Pamukkale được hình thành từ một dạng đá trầm tích lắng đọng do nước từ các suối nước nóng. Nước nơi đây chứa nhiều muối canxi chảy qua các gờ cao nguyên và qua nhiều niên kỷ đã giúp hình thành một chuỗi những nhũ đá, thác nước lớn và thác nước canxi trắng và lòng chảo rất hấp dẫn. Nước suối đọng giữa những lớp đá vôi tạo nên các hồ nước nhỏ xanh ngắt, mực nước chỉ hơn nửa mét, lại phảng phất mùi lưu huỳnh, nhưng khung cảnh thiên nhiên quá đặc sắc khiến du khách có cảm giác như mình đang đắm giữa những lớp mây trắng.
Hệ thống những suối nước nóng này đã trở thành nơi trị liệu và chữa bệnh từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên khi người La Mã cho xây dựng thành phố Hierapolis với mục đích là nơi nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
Hai địa danh này được công nhận là Di sản thế giới bởi vẻ đẹp tự nhiên và bởi ý nghĩa lịch sử to lớn cũng như những giá trị văn hóa mỹ thuật vĩ đại của đế chế La Mã.