Hiệu quả khác biệt của 4 loại vaccine Covid-19 nhập khẩu về Việt Nam

Với mục tiêu tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất, sớm nhất, Chính phủ và Bộ Y tế đã đàm phán mua tổng cộng hơn 120 triệu liều từ Pfizer, Moderna, Sputnik V và AstraZeneca.

Với chiến lược "5K + vaccine", ngay từ giữa năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế đã tích cực tiếp cận nhiều nguồn vaccine Covid-19. Hiện tại, Việt Nam đặt mua 124,9 triệu liều vaccine từ 5 nguồn. Đó là Moderna, Sputnik V, AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Quỹ COVAX Facility.

Ngoài ra, tính đến ngày 13/6, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vaccine Covid-19, gồm AZD1222 (do AstraZeneca, Anh, sản xuất), Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, sản xuất), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc, sản xuất) và Comirnaty (Pfizer và BioNTech, Đức, điều chế).

Mỗi loại vaccine Covid-19 được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam đều có cách thức hoạt động, hiệu quả và tỷ lệ gây tác dụng phụ khác nhau.


Ảnh: Thiên Nhan.

Cách thức hoạt động

Theo New York Times, dựa trên cách thức hoạt động, 4 loại vaccine Covid-19 nhập khẩu về Việt Nam được chia thành hai nền tảng.

Vaccine mRNA: BNT162b2 (Pfizer/BioNTech) và mRNA-1273 (Moderna)

Vaccine mRNA là hoạt động dựa trên cơ chế dạy các tế bào cơ thể người tạo ra một loại protein hoặc một phần của protein, có nhiệm vụ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Kết quả của phản ứng miễn dịch này là kháng thể, bảo vệ chúng ta không bị nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập vào cơ thể người.

Vaccine mRNA sẽ hướng dẫn cho các tế bào cơ thể người sản xuất những "mảnh" vô hại mang tên protein đột biến. Loại này được tìm thấy trên bề mặt của SARS-CoV-2.

Khi vaccine mRNA được tiêm vào cơ thể, chúng sẽ nằm trong hệ miễn dịch, kích thích tế bào tạo ra các mảnh protein đột biến nói trên. Cuối cùng, tế bào sẽ phá vỡ các mRNA và loại bỏ chúng.

Đây cũng là cơ chế mà vaccine Covid-19 BNT162b2 (của Pfizer/BioNTech) và mRNA-1273 (của Moderna) hoạt động. Tuy nhiên, các phân tử mRNA rất mỏng manh, nhanh chóng phân rã khi để ở nhiệt độ phòng (khoảng 20 độ C).

Do đó, vaccine của Pfizer và Moderna đều yêu cầu khắt khe về điều kiện bảo quản. Nhiệt độ bảo quản của hai loại này là từ -15 đến - 25 độ C và - 70 độ C, thời gian sử dụng tối đa 6 tháng.

Các loại vaccine mRNA trước đây từng được nghiên cứu để ngừa bệnh cúm, Zika, dại, cytomegalovirus (CMV). Công nghệ này được kỳ vọng chỉ một mũi tiêm nhưng bảo vệ được con người khỏi nhiều loại virus, bệnh dịch khác nhau.


Việt Nam tìm kiếm vaccine từ 5 nguồn cung cấp trên thế giới. (Ảnh: Reuters).

Vaccine dựa trên vector virus không có khả năng sao chép: Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya) và AZD1222 (AstraZeneca).

Để kích hoạt phản ứng miễn dịch, giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm, cách cổ điển của nhiều loại vaccine là đưa lượng vector virus hoặc vi khuẩn đã bị bất hoạt, suy yếu (adenovirus) vào cơ thể. Đây cũng là nền tảng hoạt động của vaccine Sputnik V và AstraZeneca.

Adenovirus ở vaccine của AstraZeneca là ChAdOx1, của Sputnik V là Ad5/Ad26. Khi adenovirus được tiêm vào người, protein đột biến sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Theo The New York Times, nền tảng này được đánh giá chắc chắn hơn hai vaccine sử dụng mRNA. DNA không mỏng manh như RNA, do đó, lớp áo protein của adenovirus dai hơn, giúp nó bảo vệ vật chất di truyền bên trong tốt hơn.

Cũng vì thế, Sputnik V, AZD1222, không phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ khắt khe như Pfizer/BioNTech hay Moderna. Nó có hạn sử dụng kéo dài ít nhất 6 tháng khi được bảo quản lạnh ở 2-8 độ C.


Vaccine của AstraZeneca là loại đầu tiên được tiêm chủng tại Việt Nam. (Ảnh: Chí Hùng).

Hiệu quả và tỷ lệ gặp tác dụng phụ

Sputnik V của Nga là loại vaccine đầu tiên được cấp phép trên thế giới. Viện Nghiên cứu Gamaleya công bố kết quả cho thấy Sputnik V có hiệu quả tới 91,6% sau hai liều tiêm. Kết quả thử nghiệm sơ bộ được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy vaccine này có hiệu quả 91,4%.

Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2. Tỷ lệ hiệu quả của Sputnik V thấp hơn hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca và cao hơn CoronaVac do Trung Quốc phát triển.

Tháng 5, phiên bản một liều có tên là Sputnik Light đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Nga, với hiệu quả được công bố là 79,4%. Đến nay, vaccine Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Theo New York Times, ngày 9/11/2020, Công ty Pfizer (trụ sở tại New York, Mỹ) và Công ty BioNTech (của Đức) đã làm nên lịch sử khi thông báo kết quả nghiêm cứu cho thấy vaccine Covid-19 của họ hiệu quả tới 91,3%, vượt xa mong đợi. Đây là vaccine đầu tiên trên thế giới đạt tới hiệu quả này trong thời điểm công bố nghiên cứu.

Chỉ hơn một tháng sau, ngày 11/12/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này và cũng là loại đầu tiên được nhận “giấy thông hành” ở xứ cờ hoa.

Ngày 31/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới thêm vaccine Pfizer vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới đạt được điều này. Hiện nay, ít nhất 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức chấp thuận sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer.


Trong khi đó, vaccine của Moderna là loại đầu tiên tại Mỹ thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngày 16/11/2020, công ty sản xuất thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên người với hiệu quả bảo vệ lên tới 94,1%, cao hơn nhiều so với dự kiến ​​của các chuyên gia.

Vaccine của AstraZeneca bắt đầu thử nghiệm từ tháng 1/2020. Nó được thử nghiệm trên 65.000 người tại Brazil, Nam Phi, Anh, Mỹ, Ấn Độ... Theo dữ liệu do đơn vị sản xuất công bố, hiệu quả ngừa Covid-19 của vaccine này là 76%, trong vòng 22-90 ngày sau khi tiêm một liều duy nhất.

Ngoài ra, nó có hiệu quả 100% đối với bệnh nặng và nhập viện. Dữ liệu tạm thời trước đó cho thấy hiệu quả của vaccine này là 70,4% trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Tuy nhiên, một số lo ngại xuất hiện xung quanh vaccine này khi Chính phủ Nam Phi buộc phải dừng việc tiêm chủng vào ngày 7/2 vì nó kém hiệu quả với biến chủng mới B.1.351.

Sau đó, nhiều quốc gia tại châu Âu từ chối hoặc dừng tiêm vaccine AstraZeneca vì hiện tượng xuất hiện các cục máu đông ở những người trẻ tuổi. Tháng 5, Na Uy xóa bỏ sản phẩm này khỏi chiến dịch tiêm chủng của họ.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu và WHO kết luận đây là tác dụng phụ rất hiếm gặp. Hiệu quả của vaccine vượt trội hơn nguy cơ có thể xảy ra.

Tại Mỹ, AstraZeneca không được phê duyệt sử dụng. Ba loại được dùng để tiêm chủng cho người dân Mỹ là Moderna, Pfizer và Johnson&Johnson. Tính đến ngày 11/6, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 64% người lớn tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Tổng thống Biden đặt mục tiêu đến ngày 4/7, 70% dân số trên 18 tuổi đã tiêm chủng ít nhất một liều.


Ảnh: Thiên Nhan.


Ảnh: Thiên Nhan.

Về tác dụng phụ, trên thực tế, tất cả vaccine khi tiêm chủng đều có thể gây phản ứng từ nhẹ tới nặng, tùy theo cơ địa mỗi người. Các nghiên cứu đều cho thấy cả 4 loại vaccine có khả năng gây tác dụng phụ, gồm tại chỗ (đau, sưng tấy, ngứa vết tiêm), toàn thân (đau đầu, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau cơ, buồn nôn)...

Nhóm tác giả Đại học King's College London, Anh, công bố trên tạp chí The Lancet ngày 27/4 kết quả so sánh mức độ an toàn của Pfizer và AstraZeneca trên người. Bài báo cho thấy một mũi vaccine Pfizer gây tác dụng phụ toàn thân 13,5%, tại chỗ 71,9%, dị ứng (phát phan, bỏng da...) 0,2-0,7%. Với AstraZeneca, tỷ lệ này là 33,7%; 58,7% và 0,2-1,7%.

Cập nhật: 14/06/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video