Những tuần gần đây, cồn cát ở Atacama, Chile, sa mạc khô cằn nhất thế giới, một lần nữa được tắm trong màu sắc rực rỡ khi hoa nở, bất chấp hạn hán dai dẳng.
Khung cảnh ấn tượng của sa mạc hoa thu hút du khách trong và ngoài nước vào mỗi mùa xuân ở Nam bán cầu. Hoa nở nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng mưa trong mùa đông.
Hình ảnh hoa nở vào mùa xuân trên sa mạc khô hạn nhất trên thế giới gần Copiapo, Chile, ngày 14/10. (Ảnh: Reuters).
Nhà sinh vật học Andrea Loaiza cho biết: “Đây là một "phòng thí nghiệm tự nhiên", vì nó cho phép các nhà khoa học quan sát những thay đổi về lượng mưa ảnh hưởng đến sự đa dạng của thực vật như thế nào”.
Một người phụ nữ đi bộ trên khu vực mọc hoa của sa mạc Atacama. (Ảnh: Reuters).
Hiện tượng hoa nở trên sa mạc (tiếng Tây Ban Nha là desierto florido) là nhờ hạt giống và củ chống chịu có thể sống sót trong thời tiết cực kỳ khô hạn của Atacama cho đến khi ra hoa vào mùa xuân.
Nhà thực vật học Gina Arancio, Đại học Universidad de La Serena, cho biết, hạt và củ được gọi chung là mầm cây ở sa mạc Chile có thể tồn tại trong nhiều năm ngay cả khi không có mưa.
Nhà sinh vật học Francisco Squeo chỉ một bông hoa Ananuca màu vàng, một loài hoa đặc hữu của sa mạc Atacama. (Ảnh: Reuters).
Năm nay, khu vực này chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt vì tình trạng xuống cấp do các phương tiện qua lại. Mối đe dọa buôn bán thực vật cũng hiện hữu. Vì thế, người dân chỉ được phép đi vào các khu vực quy định.
Nhà sinh vật học Cesar Pizarro cho biết sa mạc này đang nhận lượng mưa ngày càng ít hơn theo thời gian, ngoại trừ các năm 2007 và 2011.
Quang cảnh sa mạc Atacama được bao phủ đầy hoa. (Ảnh: Reuters).
Ông nói: “Mặc dù mưa chỉ giới hạn trong một khu vực nhỏ, nhưng vẫn rất ấn tượng khi chứng kiến điều này ở sa mạc khô cằn nhất hành tinh”.
Và khi mưa ngày càng ít đi, các nhà khoa học cũng tìm đến đây để nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài thực vật địa phương, cũng như khả năng tồn tại và thích nghi của thực vật với môi trường khô hạn hơn.