Tin từ Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa hoàn thành Dự án khai quật, di dời và xử lý 31 di tích khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn 3 tỉnh Sơn la, Lai Châu, Điện Biên.
Trong quá trình khai quật khảo cổ học vùng thủy điện Sơn La, các nhà khoa học thu thập được 5-7 tấn hiện vật. Các hiện vật này đa phần được chế tác từ đá thành công cụ ghè đẽo thô sơ như: bàn cối, chày nghiền thức ăn, bàn nghiền, mảnh tước... Ngoài ra còn có một số công cụ mài toàn thân, gốm thô, văn chải, văn đạp, một số đồ đất nung như dọi xe sợi...
Các nhà khoa học ở Viện khảo cổ Việt Nam cho rằng đây là công cụ lao động, sinh hoạt của tộc người sống trong thời đại đá cũ, có niên đại cách đây từ khoảng 3 vạn năm và kéo dài đến thời kỳ hậu đá mới cách đây 3.000-7.000 năm.
Công cụ ghè đẽo bằng đá thu được từ cuộc khai quật. Ảnh: SGGP
Theo nhận định của các nhà khảo cổ, từ các giá trị sử liệu của các di tích ở vùng lòng hồ thủy Điện Sơn La cho thấy dọc đôi bờ sông Đà trong quá khứ cách đây hàng vạn năm đã có con người cư trú.
Trước đó, ngày 13/8, Viện Khảo cổ Việt Nam xác nhận hoàn thành khai quật và di dời 6 di tích khảo cổ ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, trong đó thu lượm được 28.482 hiện vật. Những hiện vật này đa phần thuộc niên đại hậu đá cũ cách đây hơn 20.000 năm và kéo dài đến hậu đá mới với niên đại khoảng 3.000-4.000 năm.
Ngày 18/5, tỉnh Sơn La cũng hoàn thành công tác di chuyển dân ra khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu với 12.584 hộ đồng bào các dân tộc ở đây được di dời.
Việc khai quật, di dời toàn bộ di chỉ khảo cổ khu lòng hồ thủy điện Sơn La góp phần bảo vệ di sản văn hóa khảo cổ trong khu vực này, đồng thời góp phần vào việc giải phóng vĩnh viễn dân ra khỏi khu vực lòng hồ.