Nhìn từ trên cao, Skye có hình dạng hao hao một con tôm hùm. Tuy nhiên cái tên "Skye" của nó thì lại chẳng liên quan gì đến tôm hay cá mà mang nghĩa "xẻ khe".
Trên khắp diện tích 1656km2 của Skye, hòn đảo xa xôi nhất phía Bắc của Scotland là la liệt các rãnh sâu, vách cao dốc đứng trùng điệp như mê cung. Nghe đồn chính nhờ địa hình hiểm trở, đã vào là khó kiếm đường ra này mà thuở xưa, các cư dân ở đây dễ dàng trốn tránh, giấu gia súc, thoát khỏi sự lùng sục, cướp bóc của hải tặc Viking.
Đảo Skye.
Thấp nhưng cực dốc và dài
So với mực nước biển thì Skye không phải là quá cao. Ngay ở vị trí "chọc trời" nhất là đỉnh Sgùrr Alasdair của nó cũng vẫn dưới 1000m, chỉ đạt 993m. Song hầu hết các sườn núi đều rất dốc và dài. Để chinh phục chỉ một trong số chúng, bạn đã mất cả ngày lội bộ.
Đổi lại cho công khó nhọc, Skye ban tặng cảnh quan thiên nhiên đẹp mê hồn. Với mật độ dân số chỉ 6,4 người/km2 và đa phần cư dân tập trung trong thủ phủ hải cảng Portree, hòn đảo này vẫn cực kỳ hoang dã.
Skye được ban tặng cảnh quan thiên nhiên đẹp mê hồn.
Trên khắp Skye là núi non xanh mướt mát, ngòi lạch nước trong veo và đá. Nhờ khí hậu đại dương ôn hòa, chỉ dao động từ âm 6,5C - 26,7C, thảm thực vật sinh sôi mạnh mẽ. Chính dựa vào các lợi thế này, Skye nổi tiếng khắp nơi là hòn đảo đi bộ tuyệt nhất hành tinh.
Cao nguyên Quiraing: Kiệt tác vĩ đại của "nghệ nhân lở đất"
Trong hệ thống núi non thấp tuyệt sắc của Skye, ấn tượng nhất là cao nguyên Quiraing nằm trên bán đảo Trotternish Ridge. Mặc dù độ cao của Quiraing chỉ rơi vào khoảng 543m so với mặt nước biển, nhưng vẫn đủ khiến du khách leo muốn "sụm" gối.
Đứng trên Quiraing, trải hết tầm nhìn là bạt ngàn vách đá, đụn đất nhấp nhô xen kẽ các hồ nước nhỏ. Chúng được hình thành sau các vụ lở đất lớn ở Trotternish Ridge.
Cao nguyên Quiraing.
Ngay bây giờ, lòng đất của Quiraing vẫn chưa yên ổn, tiềm ẩn nhiều khả năng sạt lở. Tuy nhiên cũng chính ở đây, lở đất không chỉ là thảm họa tự nhiên mà còn đóng vai trò nghệ nhân sắp đặt bậc thầy. Nó làm lộ ra những vách cao, lũng sâu, hồ rộng và đỉnh núi chót vót.
Ngay sau lở đất, thực vật chen chân mọc kín mọi khoảng trống lũ lượt lớn lên, biến Quiraing thành tấm thảm màu lục khổng lồ, chỗ bằng biện, chỗ lại uốn lượn, thậm chí là như gấp nếp cũng có.
Xa một chút, "nghệ nhân lở đất" còn đặt một tạo tác hoàn mỹ đến từng milimet là Old Man of Storr (Ông già của Storr). Nó là khối đá đồ sộ cao hẳn 49m, có hình dạng y hệt một lão niên đang ngồi. Người ở đây bảo rằng, khối đá ấy chính là hóa thạch của người khổng lồ từng sống trên Trotternish Ridge.
Khối đá Old Man of Storr tuyệt tác của tự nhiên.
Có điều để tiếp cận Old Man of Storr thì tương đối vất vả. Bạn sẽ phải vượt qua sườn núi dài lê thê như vô tận trên độ cao 700m so với mực nước biển là Sound of Rasaay, rồi lại tiếp tục trèo qua những gò cỏ nhấp nhô như sóng lượn. Nhưng cảnh sắc trên đường đi thì rất tuyệt, từng được chọn làm phong cảnh quay một số phim điện ảnh nổi tiếng, ví dụ như The Wicker Man (1973), Prometheus (2012), Snow White and the Huntsman (2012).
Fairy Pools: Thế giới hồ tiên đẹp mĩ miều
Băng qua rừng Glen Brittle và tiến tới chân dãy núi Cuillin dài nhất Skye, trước mắt bạn sẽ là một thế giới đẹp như tiên cảnh. Dòng suối trong vắt tràn qua thác ghềnh, lần lượt đổ vào một loạt các hố nước sâu. Người ta gọi các hố nước này là Hồ Tiên (Fairy Pool).
Hồ Tiên dưới chân núi Cuillin.
Có rất nhiều Hồ Tiên dưới chân núi Cuillin. Chúng cũng bao gồm nhiều kích cỡ, kiểu dáng và tất cả đều trong veo thấu đáy.
Tuy nhiên hãy quên vụ bơi hay tắm đi, vì nước ở đây lạnh thấu xương. Mặc dù Skye có lúc lên đến 26,7 độ C nhưng đa phần thời gian trong năm của nó là lạnh. Nền nhiệt trung bình của hòn đảo này là 6,5 độ C. Nước trong các Hồ Tiên giá chẳng khác gì nước đá.
Mặc dù Skye có lúc lên đến 26,7 độ C nhưng đa phần thời gian trong năm của nó là lạnh.
Dĩ nhiên là nếu bạn vẫn muốn thì Fairy Pools cũng xin mời. Xét ra nước ở đây chỉ lạnh thôi chứ trong lành lắm.
Fairy Glen: Cụm đồi nở hoa và vòng đá kỳ bí nên thơ
Cái độc đáo nhất ở Skye là nó còn sở hữu một "Skye thu nhỏ" mang tên Fairy Glen. Với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đủ từ các tầng đá kỳ vĩ đến ao hồ đẹp đẽ, đồi núi xanh tươi, thác nước tuyệt trần... khu vực này giống hệt một tiểu Skye trong lòng Skye.
Khu vực này giống hệt một tiểu Skye trong lòng Skye.
Vào những ngày nắng đẹp, Fairy Glen khoe mặt đất ngồn ngộn sức sống cỏ cây, điểm xuyết những chùm hoa dại đủ màu. Trên cái nền xanh non mượt nổi lên những vòng đá xoắn ốc nhỏ xinh, khiến không gian thêm phần thần thoại.
Có điều những vòng xoắn đá này không phải tự nhiên mà do du khách nổi hứng nghệ sĩ bê đá ở xung quanh vào xếp. Tuy chúng nom cực hợp với cảnh quan nhưng lại là… nỗi bực đối với các cư dân địa phương.
Ngoại trừ các phần đất hoang, Fairy Glen còn những mảnh có chủ, được dùng để chăn thả gia súc. Mớ vòng đá xoắn đầy chất nghệ thuật thành ra... chỉ tổ vướng chân người và vật nuôi.
Cuối cùng là Kilt Rock: Tường đá trỗi nhạc tự nhiên
Từ trên đỉnh vách, một dòng thác trắng đổ xuống, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, đẹp huy hoàng.
Rời Trotternish sang Nội Hebrides, nhóm đảo ngoài khơi của Skye, trước mắt bạn sẽ là vách đá tráng lệ Kilt Rock cao 90n bao bọc quanh một hòn đảo nhỏ. Từ trên đỉnh vách, một dòng thác trắng đổ xuống, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, đẹp huy hoàng.
Để đảm bảo an toàn, người ta đóng cọc kéo rào tại các điểm tham quan trên mép Kilt Rock. Thú vị là các cây cọc còn được khoét lỗ như nhạc cụ sáo. Mỗi khi có luồng gió mạnh từ đại dương thổi vào, chúng lại phát ra tiếng kêu.
Tất nhiên là âm thanh từ các cây "sáo cọc rào" này chẳng theo làn điệu nào cả. Song khi kết hợp với tiếng thác đổ, chúng dường như hòa quyện vô cùng, tạo nên bản hợp âm hùng hồn hoàn hảo.