Ngày 13/9, Ban giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gồm 35 thành viên đã thông qua kế hoạch hành động toàn cầu nhằm tăng cường an toàn hạt nhân sau sự cố tại nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản cách đây 6 tháng.
Kế hoạch dài 8 trang trên do Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano đưa ra.
Trước đó, văn bản này đã gây tranh cãi và bất đồng giữa các nước, với một bên là Đức, Pháp, Thụy Sĩ , Singapore, Canada và Đan Mạch... - những nước đang tìm kiếm những cam kết quốc tế mạnh mẽ hơn, và bên kia là Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan muốn an toàn hạt nhân là vấn đề của mỗi quốc gia và hạn chế các đoàn thanh sát viên quốc tế.
Để trung hoà những bất đồng giữa hai nhóm nước, IAEA đã điều chỉnh một số tiêu chí trong kế hoạch, chú trọng khuyến khích những biện pháp tự nguyện.
Theo số liệu của IAEA, mặc dù Đức đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân của mình vào năm 2022 và Italy đã thông qua trưng cầu dân ý cấm phát triển năng lượng hạt nhân trong nhiều thập kỷ tới, hiện vẫn còn 29 nước đang sử dụng điện hạt nhân. Số nước phát triển loại năng lượng này sẽ tăng thêm 25 nước vào năm 2030.