Israel tiến hành ca phẫu thuật ghép hốc mắt 3D trong môi trường AR đầu tiên trên thế giới

"Tương lai là đây" - đó là tuyên bố của Giáo sư Masad Barhoumm, Tổng giám đốc Trung tâm Y tế Galilee, sau khi một nhóm các bác sỹ Israel thuộc trung tâm thực hiện thành công ca phẫu thuật khắc phục một vết nứt vỡ trong nền hốc mắt bằng công nghệ thực tại tăng cường (AR) và in 3D đầu tiên trên thế giới.

Ca phẫu thuật này, vốn được thực hiện trên một bệnh nhân 31 tuổi, do Giáo sư Samer Srouji thuộc Trung tâm Phẫu thuật Miệng và Hàm mặt của Trung tâm Y tế Galilee dẫn đầu, với sự hợp tác từ các bác sỹ từ Trung tâm Y tế Sheba, Tel Hashomer.

Bệnh nhân đã bị chấn thương nghiêm trọng ở vùng mặt, hốc mắt trái bị nứt vỡ, dẫn đến tình trạng song thị, đồng thời gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sự đối xứng của hai mắt.

"Công nghệ tiên tiến bao gồm một máy in 3D và thực tại tăng cường giúp thực hiện các thao tác với độ chính xác cao, và giảm đáng kể thời gian phẫu thuật" - Srouji nói.

Để tiến hành cuộc phẫu thuật, trung tâm y tế đã thiết kế nên một tấm kim loại dựa trên bản chụp cắt lớp máy tính (CT) của bệnh nhân. Tấm này có hình dạng tái hiện lại y hệt nền của hốc mắt - theo ảnh chiếu của bên hốc mắt còn lành lặn, thông qua việc sử dụng phần mềm nhằm dựng nên mô hình 3D của hộp sọ nạn nhân.


Mô hình ảo được đặt chính xác ngay trên đầu của bệnh nhân thông qua kính AR.

Tấm kim loại được in bằng titanium và chuẩn bị để chèn vào bên trong hốc mắt. Để có thể đưa nó vào đúng vị trí bên dưới mắt bệnh nhân, các bác sỹ đã sử dụng công nghệ AR.

Một trong các bác sỹ đeo kính HoloLens của Microsoft, kết nối đến phần mềm máy tính có chứa các mô hình của bệnh nhân - cả mô hình hộp sọ lẫn mô hình tấm kim loại. Mô hình ảo được đặt chính xác ngay trên đầu của bệnh nhân thông qua kính AR, cho phép bác sỹ phẫu thuật đặt tấm kim loại vào vị trí chính xác trong thời gian thực.

Trên website của mình, Microsoft miêu tả HoloLens là thiết bị cung cấp "trải nghiệm thực tại hỗn hợp chìm đắm và thoải mái nhất hiện nay, với những giải pháp hàng đầu ngành công nghiệp nhằm thể hiện nội dung một cách chi tiết - tất cả được tăng cường bởi độ tin cậy, bảo mật, và khả năng mở rộng của các dịch vụ đám mây và AI từ Microsoft".

Khi đeo kính, người dùng có thể thấy những chi tiết phức tạp trên các hình ảnh 3D một cách dễ dàng và thoải mái, đồng thời chạm, nắm, và di chuyển các ảnh hologram theo những cách tự nhiên. Hologram sẽ phản ứng như những vật thể thật.


Khi đeo kính, người dùng có thể thấy những chi tiết phức tạp trên các hình ảnh 3D một cách dễ dàng

Cuộc phẫu thuật mắt nói trên chỉ mất 1,5 giờ để thực hiện. Sau nhiều ngày hồi phục, bệnh nhân đã được về nhà. Các bản chụp CT của anh cho thấy tấm kim loại đã được đặt chính xác và tối ưu.

Bộ phận Point of Care 3D của Galilee Medical Center đã được phát triển trong vài năm trở lại đây - theo lời Srouji. Ông nhấn mạnh rằng trong năm qua, mặc cho virus corona hoành hành, bộ phận này vẫn đạt được nhiều thành tựu, hợp tác chặt chẽ với Sheba để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng và triển khai công nghệ 3D trong mọi loại phẫu thuật.

"Công nghệ này sẽ đóng góp vào việc cải thiện các kết quả y tế và giảm được việc phải dựng hình và phẫu thuật lặp lại nhiều lần" - Giáo sư Srouji nói.

Cập nhật: 06/01/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video