Các công nhân xây dựng tình cờ tìm thấy một loạt ngôi mộ từ thời La Mã cổ đại ở thành phố Beit Lahia, phía bắc Dải Gaza.
Công trường xây dựng nơi phát hiện hàng chục mộ cổ ở Dải Gaza. (Ảnh: AFP)
Trong một tuyên bố vào hôm 21/2, các nhà chức trách cho biết 31 ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên được phát hiện khi những chiếc xe ủi tiến hành xúc đất tại một dự án nhà ở do Ai Cập tài trợ trong thành phố Beit Lahia.
Bộ Du lịch và Cổ vật Dải Gaza đã cử một nhóm chuyên gia đến địa điểm để lập danh mục và nghiên cứu các ngôi mộ cũng như đồ tạo tác. Phân tích ban đầu cho thấy chúng có thể là một phần của nghĩa trang liên kết với khu khai quật La Mã gần đó ở Balakhiya.
Bên trong các ngôi mộ, nhóm khảo cổ đã tìm thấy nhiều quan tài, đồ gốm và chữ khắc gợi ý rằng nghĩa trang tồn tại từ Đế chế La Mã cổ đại đến thời kỳ Byzantine hay Đế quốc Đông La Mã.
Một số ngôi mộ được khai quật tại công trường. (Ảnh: AFP)
Mặc dù nghĩa trang chỉ bao phủ một khu vực nhỏ, nó cho thấy sự hiện diện của các di tích khác hoặc toàn bộ khu vực lân cận. Vào thời Byzantine, nghĩa trang thường được xây dựng gần với cộng đồng để họ có thể giữ liên lạc với những người đã khuất - những người được coi trọng theo tín ngưỡng và văn hóa thời đó.
Dải Gaza là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất trên Trái Đất và là quê hương của khoảng 18 nền văn minh trong suốt lịch sử. "Khu vực này chứa đầy những cổ vật chưa được khám phá, nhưng đòi hỏi các dự án với nguồn kinh phí khổng lồ, cũng như các công cụ đặc biệt để khai quật", nhà sử học người Palestine Ghassan Wishah, người đứng đầu Khoa Lịch sử và Khảo cổ học tại Đại học Hồi giáo Gaza nói với Al-Monitor.