Để có một mẫu vật thiên nhiên trưng bày tại bảo tàng, là biết bao công đoạn lẫn công sức của các chuyên gia. Từ sưu tầm, xử lý tiêu bản, chế tác mẫu vật… là muôn vàn câu chuyện kỳ thú.
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện lưu giữ hàng nghìn hiện vật rất có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học. Từ những mảnh cúc đá cách đây hàng triệu năm, cho đến các hiện vật quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi, nanh hổ...
Thế nhưng, đằng sau những hiện vật đó là hành trình đầy gian khổ các nhà khoa học phải trải qua mà không phải ai cũng biết. Từ khi tìm kiếm phát hiện cho đến khôi phục nguyên trạng các hiện vật, là một câu chuyện dài có lúc khó tin, lại có khi đáng sợ.
Một số mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên.
“Gom” xác động vật
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được thành lập năm 2006, là tổ chức sự nghiệp văn hóa – khoa học có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ bảo quản, tổ chức trưng bày, giới thiệu các mẫu sưu tập và tư liệu về thiên nhiên Việt Nam.
Một trong những tư liệu phục vụ phổ biến kiến thức, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch... là rất nhiều mẫu vật cổ sinh quý hiếm. Thậm chí, trong số đó có cả các mẫu vật là xác động thực vật bị thối rữa, phân hủy...
Theo PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thì bảo tàng đã sưu tầm được trên 30.000 hiện vật khác nhau với rất nhiều chủng loại từ xác voi, sư tử, hổ, báo, gấu cho đến các hóa thạch cổ sinh vật...
Bộ sưu tập này được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với địa chất, cổ sinh vật thì được các nhà khoa học trực tiếp tìm kiếm, phát hiện rồi tổ chức khai quật, thu thập đem về bảo tàng.
Đối với các mẫu hiện vật là các tiêu bản động vật hoang dã, quý hiếm thì do các lực lượng kiểm lâm, công an, hải quan, tòa án, thi hành án các địa phương trong cả nước chuyển giao, đưa về sau mỗi vụ án.
Các mẫu vật khác do các nhà khoa học của bảo tàng thu thập. Nếu là hiện vật do người dân phát hiện thì bảo tàng mua lại để bảo quản và xử lý.
Có nhiều hiện vật là động vật sau khi bị cơ quan chức năng bắt giữ như hổ, báo, rắn, voi... khi đưa về bảo tàng đang trong tình trạng phân hủy, mùi hôi thối rất nồng nặc. Những xác động vật này sau đó được chuyển cho bộ phận chuyên môn để xử lý thành tiêu bản để trưng bày tại bảo tàng giới thiệu với khách tham quan.
PGS.TS Phạm Văn Lực cho hay: “Trước đây, có một số cơ quan sưu tập các mẫu cổ sinh hoặc xác động vật chết như Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Hải dương học Đồ Sơn, Viện Sinh học Nhiệt đới, Bảo tàng Địa chất và các Liên đoàn địa chất.
Tuy nhiên, việc xử lý này chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ chưa có hệ thống. Đến năm 2006, Chính phủ chỉ đạo thành lập Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thì việc xử lý xác động thực vật chết mới được tổ chức có quy củ, chặt chẽ và mang tính khoa học”.
Chuyên gia đang hoàn thiện một tiêu bản sóc.
Gian nan xử lý tiêu bản
Theo chân các cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên, chúng tôi đến ngôi nhà chứa xác động vật nằm cách khu trưng bày khoảng 500m. Vừa bước vào cửa, mùi xú uế từ xác động vật cùng với mùi hóa chất nồng nặc, khiến bất cứ ai lần đầu bước chân vào cũng phải kinh hãi.
Không chỉ có vậy, do mùi hoá chất nên không ít người có cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Thế nhưng, hàng chục cán bộ nghiên cứu của bảo tàng này vẫn ngày đêm phải làm việc với những xác chết, cùng mùi hôi khó chịu đó.
Tạm dừng tay việc chế tạo tiêu bản, anh Trần Thanh Tú - cán bộ xử lý hiện vật tiết lộ: “Để có được những tiêu bản động vật trưng bày, hàng chục anh chị em phải vật lộn nhiều tháng trời, thậm chí hàng năm mới xong”.
Theo anh Tú, sở dĩ thời gian xử lý tiêu bản kéo dài như vậy do việc xử lý mẫu vật phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp khác nhau tùy từng loài.
Chẳng hạn như một con hổ sau khi đưa về bảo tàng, công đoạn đầu tiên là phải lột da, sau đó ướp da hổ trong muối ăn và phèn chua theo tỉ lệ 1/1 (tùy vào khối lượng da và độ phân hủy mẫu vật mà có sự điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp).
Công đoạn ướp da kéo dài khoảng 2 tuần hoặc vài tháng cho đến khi lông hổ cứng lại mới thôi. Đối với những vị trí gốc tai, bàn chân, nách... phải tiêm phóoc môn 10% để làm cứng. Ướp da xong sẽ đến giai đoạn thuộc da, có nghĩa là cạo hết lớp mỡ dính trong da cho đến khi miếng da mỏng, mềm.
Tiếp đến là dựng cốt bằng lưới sắt rồi nhồi bông vào trong. Tuy nhiên, gần đây Bảo tàng Thiên nhiên không sử dụng công nghệ này nữa vì đã lạc hậu. Hiện bảo tàng đã chuyển sang công nghệ mới là dựng cốt, dựa theo kích cỡ của mẫu vật với các tư thế khác nhau.
Sau khi chế tạo được cốt thì mặc da vào, tiếp đến đưa vào tủ lạnh sâu âm 50 – 800 độ C trong vòng 48 tiếng để tiêu diệt các loại côn trùng dính trên da, lông. Sau đó chuyên gia sẽ đưa ra bảo quản ở phòng điều hòa với nhiệt độ 200 độ C.
Sau khi xử lý da xong, bộ phận xương được đưa vào một cái nồi lớn rồi đun nóng ở nhiệt độ 600 độ C. Sau khi nguội vài ngày, thậm chí vài tuần để nồi xương ôi thiu thịt mềm rữa. Tiếp đến vớt xương ra làm sạch mỡ, thịt dính trên xương và tủy xương.
Kết thúc đợt rửa xương lần thứ nhất, các nhà chế tác tiếp tục ngâm xương trong nước lã để các vi sinh vật ăn hết tủy trong xương. Xong công đoạn này, xương được ngâm bằng xăng trong 1 – 2 tuần để đảm bảo trong xương hết sạch mỡ.
Công đoạn này xem ra đơn giản nhưng lại rất quan trọng, vì nếu không ngâm xăng thì mỡ sẽ sùi ra, sau này vi sinh vật sẽ tấn công gây hư hại mẫu vật.
Khi mẫu xương đã sạch, các chuyên gia chế tác sẽ đem lắp ghép trở lại. Việc lắp ghép này được tiến hành trên một khung cố định bằng sắt không han. Các đốt xương được gắn với nhau bằng thép, bảo đảm khi trưng bày bộ xương vững chắc không bị lung lay, dịch chuyển.
Tiêu bản hổ Đông Dương được trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Nhựa hóa rùa hồ Gươm
Theo PGS.TS Phạm Văn Lực, tùy mỗi mẫu vật mà có thời gian xử lý đối với mỗi công đoạn khác nhau. Chẳng hạn nếu ướp da hổ với muối và phèn chua chỉ mất 2 tuần, thì da voi phải mất vài tháng, da chồn thì chỉ mất vài ngày. Nếu thuộc da, thì hổ mất vài ngày, voi mất vài tháng.
Đối với công đoạn dựng xương, thì xương hổ chỉ mất dăm ba ngày, trong khi đó dựng xương voi mất ít nhất 3 tháng. Chỉ riêng công đoạn nâng – hạ bộ xương voi để ướm thử vị trí đã hết cả ngày, chứ chưa nói đến việc lắp, ghép cố định thành mẫu vật hoàn chỉnh để trưng bày.
Việc xử lý và chế tác mẫu vật trong ngành bảo tàng phải thay đổi và cập nhật liên tục. Đặc biệt trong thời đại 4.0, công nghệ liên tục thay đổi đòi hỏi ngành bảo tàng phải tiếp cận, áp dụng xử lý, chế tác, và bảo quản mẫu vật.
Năm 2019, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp các nhà khoa học Cộng hòa liên bang Ðức chế tác thành công tiêu bản rùa hồ Gươm bằng công nghệ nhựa hóa mẫu vật, trên cơ sở phương pháp thay nước trong mô tế bào bằng dung dịch nhựa chuyên dụng.
Ðây là phương pháp hiện đại, với ưu điểm là đường nét, mầu sắc mẫu vật giống như lúc còn sống. PGS.TS Phan Kế Long cho biết: "Có được mẫu vật rùa hồ Gươm để chế tác là thử thách nhưng cũng là điều may mắn trong nghề. Ðây là lần đầu các nhà khoa học của bảo tàng tiếp cận công nghệ nhựa hóa, với tiêu bản rùa rất lớn".
PGS.TS Phan Kế Long cũng cho rằng, trong số các loài động vật được xử lý, thì động vật có lông vũ là khó nhất. Việc bảo quản cũng rất khó bởi loài lông vũ thường bị côn trùng “ăn lông”.
Ngoài ra, độ ẩm không khí cao cũng làm cho các tiêu bản dễ bị mục nát. Trước đây, muốn bảo quản được các tiêu bản động vật nhồi bông, phải đem ra nắng phơi chống ẩm mốc, bây giờ thì đã có công nghệ nên cũng đỡ vất vả hơn.
Các mẫu vật về thiên nhiên là tài sản quốc gia, phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên và cung cấp mẫu vật trưng bày. Việc xây dựng được một bộ sưu tập thể hiện đầy đủ đặc điểm các mặt thiên nhiên của Việt Nam tốn nhiều công sức, chi phí, thời gian. Có những loài sinh vật ở vùng núi cao, biển xa, chỉ xuất hiện một mùa vụ trong năm, muốn sưu tầm được phải có phương tiện đặc biệt, chi phí tốn kém. |