Những cây xương rồng quý hiếm bị kẻ trộm đánh cắp trị giá 1,2 triệu USD đã quay trở lại nơi ban đầu tại Chile.
Các chuyên gia, nhà sưu tập cây cảnh chuyên nghiệp đánh giá cao những loài xương rồng thuộc chi Copiapoa và Eriosyce mọc ở các vùng khô hạn ở phía bắc Chile như sa mạc Atacama.
Chúng thường được trưng dụng trồng trong nhà làm cảnh. Tuy nhiên, Chile không cho phép xuất khẩu xương rồng, do vậy, những cây có giá trị cao trở thành mục tiêu phổ biến của nạn săn trộm.
Chile không cho phép xuất khẩu xương rồng nên chúng là mục tiêu của những tay săn trộm.
Đại diện của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết hàng trăm loài thực vật đã bị đánh cắp từ tự nhiên, trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2019.
Các quan chức đã tịch thu 1.035 cây xương rồng buôn bán trái phép ở Italia trong hai cuộc truy quét vào năm 2020, vụ bắt giữ lớn nhất ở đất nước này từ trước đến nay.
Không phải tất cả các cây xương rồng thu giữ lại đều sống sót sau nhiệm vụ giải cứu. Khoảng 107 cây đã chết trước khi có thể trả về Chile, khoảng 84 cây ở lại Milan, Italia trong vườn bách thảo Città Studi để phục vụ công tác nghiên cứu.
Trong đó, khoảng 844 đã trở về Chile và sớm quay lại tự nhiên sau quá trình kiểm tra kỹ càng để đảm bảo không mang sâu bệnh xâm hại có thể lây lan sang các loài thực vật khác đang phát triển ở sa mạc Chile.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, các loài xương rồng Copiapoa và Eriosyce của Chile, thuộc loại hiếm nhất trên thế giới, có thể bán được tới 1.500 USD/cây, tương đương khoảng 35,4 triệu đồng trên thị trường chợ đen ở châu Âu và châu Á.
Cây xương rồng Chile có nhiều hình dạng độc đáo từ cây nhiều cánh ở sa mạc Sonoran đến cây thân dài. Thông thường những loài xương rồng hình thù độc đáo chỉ phát triển nở rộ trong phạm vi địa lý nhỏ. Điều này làm nâng cao giá trị của cây xương rồng và khiến loài này trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà sưu tập trên toàn thế giới.
Cho đến nay, khoảng 2.000 trong số 10.000 loài xương rồng được biết đến trên toàn thế giới đang đối mặt với việc bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là do môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.