Khởi nguồn của sông Nile ở đâu - câu hỏi tưởng chừng khá đơn giản nhưng đã khiến các nhà thám hiểm, các nhà địa lý học say mê tìm câu trả lời trong hàng nghìn năm qua.
Khám phá khởi nguồn sông Nin (hay Nile) là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong thế kỷ 19 ở châu Âu. Điều này đã khiến khá nhiều nhà thám hiểm tài ba lao vào công cuộc tìm kiếm để rồi phải chịu những thương tật hoặc phải bỏ mạng.
Theo các chuyên gia, mặc dù đã có nhiều người tuyên bố khám phá ra khởi nguồn sông Nile. Nhưng đến hiện nay, vấn đề này vẫn là một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất hóc búa. Chưa tìm được câu trả lời!
Sông Nile đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của một số nền văn minh cổ đại bậc nhất. Nếu không có lượng nước khổng lồ từ nó, người Ai Cập cổ đại có thể không bao giờ tích lũy được của cải và sức mạnh cần thiết để xây dựng kim tự tháp, cũng như kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn từ 5.000 năm trước.
Đến nay, vẫn chưa ai biết khởi nguồn của sông Nile ở đâu.
Herodotus, nhà sử học Hy Lạp nổi tiếng từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đã tự hỏi về khởi nguồn lượng nước khổng lồ của sông Nile. Pharaoh Ptolemy II Philadelphus cũng quan tâm đến khởi nguồn của sông Nile, đã gửi một đoàn thám hiểm đi xác định nguồn gốc của sông Nile xanh.
Angela Thompsell, một chuyên gia về lịch sử tại Đại học bang New York cho biết: "Người Ai Cập khá quan tâm đến việc tìm kiếm khởi nguồn của sông Nile vì nó ảnh hưởng đến vấn đề nông nghiệp của họ".
Giống như nhiều con sông có chiều dài hàng nghìn cây số, sông Nile có một số phụ lưu chính. Hai dòng chính của nó là sông Nile xanh và sông Nile trắng hợp với nhau ở Khartoum trước khi tiếp tục đi lên phía Bắc, qua Sudan để vào Ai Cập.
Nhà thám hiểm người Scotland, James Bruce, tự tuyên bố bản thân là người đầu tiên tìm thấy nguồn của sông sông Nile xanh vào năm 1770 khi đến một đầm lầy và thác ở Tis Abay, Ethiopia. Tuy nhiên, theo các ghi chép lịch sử thì một tu sĩ người Tây Ban Nha có tên Pedro Paez đã thực sự đến khu vực đó từ năm 1618.
Sông Nile xanh chảy từ hồ Tana, cung cấp tới 80% lượng nước khi hai dòng chảy chính gặp nhau ở Khartoum. Tuy nhiên, sông Nile trắng dài hơn và khởi nguồn của nó ít được biết đến bởi chảy từ sâu trong lục địa Phi. Hầu hết các cuộc thám hiểu nổi tiếng ở thế kỷ 19 đều tập trung nỗ lực tìm kiếm khởi nguồn của sông Nile trắng.
Tìm ra khởi nguồn sông Nile trắng là một trong những điều rất hấp dẫn các nhà thám hiểm. Năm 1855, Richard Francis Burton và nhà tự nhiên học John Hanning Speke thuê những người châu Phi làm hướng dẫn viên, đầu bếp và phiên dịch để thám hiểm sông Nile. Khi đến gần Berbara ở Somali thì họ bị người dân địa phương tấn công. Speke bị bắt trong thời gian ngắn, bị thương trước khi trốn thoát được. Trong khi đó, Burton bị đâm xuyên cả hai má.
Bí ẩn về khởi nguồn của sông Nile đã là một thách thức trong 3 thiên niên kỷ.
Bất chấp sự thấp bại đó, 2 nhân vật kể trên vẫn tiếp tục khám phá sông Nile vào năm 1856. Tuy nhiên, cũng giống như lần trước, họ có khởi đầu không suôn sẻ. Cả Burton và Speke đều mắc một số căn bệnh trong chuyến đi, bao gồm cả sốt rét. Trong chuyến đi, một số người họ thuê còn tự ý bỏ đoàn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã đến được hồ Tanganyika. Burton được coi là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy hồ này bởi Speke khi đó bị mù tạm thời.
Họ phát hiện ra rằng Tanganyika không thể là khởi nguồn của sông Nile trắng bởi có một con sông lớn chảy vào đó. Tuy nhiên, dù Speke đã phục hồi thị lực nhưng Burton lúc đó lại quá kiệt sức. Speke tiếp tục cuộc hành trình về phía hồ Victoria và khi đến nơi ông khẳng định đó chính là khởi nguồn của sông Nile trắng.
Burton phản đối điều này và yêu cầu bằng chứng. Thompsell nói: 'Về cơ bản họ ghét nhau từ thời điểm đó. Speke đã thực hiện một cuộc thám hiểm khác đến hồ Victoria vào năm 1860 nhưng lại thất bại trong việc lập bản đồ toàn bộ khu vực xung quanh hồ Victoria'. Vào năm 1864, ngay trước khi Speke dự kiến tranh luận với Burton thì ông lại qua đời trong một tai nạn (hoặc có thể là tự sát).
Ngay sau đó, một nhà thám hiểm khác là David Livingstone đã đi tìm khởi nguồn sông Nile nhưng ông lại bị mất tích vào cuối những năm 1860. Sau đó, Henry Morton Stanley - một nhà thám hiểm người Mỹ gốc xứ Wales - đã lên đường khám phá khởi nguồn sông Nile trắng và tìm thấy Livingstone. Stanley nhận thấy Livingstone đã quá ốm yếu. Vài năm sau Livingstone qua đời.
Stanley bắt đầu một cuộc thám hiểm khác vào giữa những năm 1870. Cuối cùng, ông kết luận rằng hồ Victoria có một cửa xả duy nhất thoát ra sông Nile trắng qua thác Rippon và hồ Albert. Do đó, ông xác nhận khám phá trước đó của Speke. Trong quá trình khám phá các hồ lớn ở châu Phi, ông cũng phát hiện ra rằng chúng là đầu nguồn của sông Congo.
Bất chấp các kết quả thám hiểm, nhiều nhà khoa học cho rằng đến nay khởi nguồn của sông Nile trắng vẫn chưa được hiểu rõ. Christopher Ondaatje, một nhà thám hiểm đã viết cuốn sách Journey to the Source of the Nile, cho biết: "Bí ẩn về khởi nguồn của sông Nile đã là một thách thức trong 3 thiên niên kỷ".
Năm 1996, Ondaatje đã dành ra ba tháng để đi dọc sông Nile và qua các hồ lớn ở châu Phi. Ông nói rằng tuyên bố "hồ Victoria là khởi nguồn sông Nile trắng" đã bỏ qua thực tế rằng, sông Kagera cung cấp lượng nước lớn cho hồ này. Hai nhánh chính của sông Kagera được phát sinh từ các con suối ở Burundi và Rwanda.
Sông Nile - con sông dài nhất thế giới.
Ondaatje viết trong một bài báo: "Một trong 2 con suối kể trên mới là nguồn của sông Nile". Đồng thời, ông cũng cho rằng Speke đã đi qua sông Kagera trong hành trình của mình nhưng lại tránh đề cập đến nó.
Trong chuyến thám hiểm của mình, Ondaatje cũng có một khám phá quan trọng khác. Nước của hồ Victoria chảy qua thác Rippon sau đó đổ vào hồ Albert. sông Nile trắng chảy trực tiếp từ hồ Albert. Tuy nhiên, Ondaatje cho biết 85% lượng nước trong hồ Albert không phải được cung cấp từ hồ Victoria, mà là từ sông Semliki, chảy từ cộng hòa dân chủ Congo.
Ondaatje cho biết khám phá của Speke chỉ là một phần lời giải cho câu đố về khởi nguồn của sông Nile. Ông cũng cho biết hiện các khám phá của bản thân vẫn chưa thể tiếp tục do các vấn đề chính trị và tình trạng bất ổn. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, khởi nguồn thật sự của sông Nile vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.