Trước nạn dây leo bìm bìm đe doạ sự tồn vong của rừng cấm quốc gia Sơn Trà, UBND TP Đà Nẵng quyết định chi 100 triệu đồng xử lý khẩn cấp.
Ngày 10/11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo TP vừa quyết định chi 100 triệu đồng để Sở NN-PTNT tiến hành xử lý dây bìm bìm trên diện tích 80ha của rừng cấm quốc gia Sơn Trà.
Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cũng được giao chủ trì phối hợp với Công ty Quản lý - Khai thác đất Đà Nẵng, Chi cục Kiểm lâm làm việc với các cơ sở du lịch trên bán đảo này để các đơn vị có kế hoạch xử lý dây bìm bìm tại khu vực kinh doanh, quản lý; không để xảy ra cháy rừng.
Sở dĩ UBND TP Đà Nẵng phải có quyết định trên là do rừng cấm quốc gia Sơn Trà đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi nạn dây bìm bìm, một loại cây dây leo rất khoẻ, lấn át và che phủ các loại cây khác, làm thay đổi hệ sinh thái, thậm chí gây chết rừng trên diện rộng.
Theo Ban quản lý rừng cấm quốc gia Sơn Trà, hiện có khoảng 500-600ha trong tổng số 4.370ha rừng ở bán đảo Sơn Trà bị dây bìm bìm bao phủ. Loại dây leo này phát triển rất mạnh, chỉ trong thời gian ngắn có thể bao trùm cả một khu rừng rộng lớn, làm thiếu ánh sáng và gây chết hầu hết các loại cây phía dưới. Không những thế, loại dây leo này cũng rất dễ gây nên cháy rừng.
Một đám lang rừng tại rừng Sơn Trà (Đà Nẵng). |
Do không thể tiến hành xử lý bằng hoá chất vì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước (ở khu vực này có nhà máy cung cấp nước sạch và nhiều dự án du lịch) nên Ban quản lý rừng cấm quốc gia Sơn Trà phải thuê người xử lý bằng phương pháp thủ công, phát quang dây leo nhưng không mấy hiệu quả do diện tích rừng bị dây leo bao phủ rộng lớn, việc tiếp cận đến khu vực có dây leo hết sức khó khăn.
Được biết, ngoài rừng cấm quốc gia Sơn Trà, hiện nhiều khu rừng khác ở Đà Nẵng như Hải Vân, Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Bắc cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn dây leo bìm bìm. Trong đó đã có khá nhiều diện tích rừng bị chết trước sức tấn công của “giặc” dây leo.
Từ đầu năm 2008, ngành lâm nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị được đầu tư 3 tỷ đồng cho các hạng mục khảo sát thiết kế lập dự án xử lý; phát luồng dây leo thực bì, đào gốc, thu gom và xử lý. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, kinh phí để xử lý triệt để loại dây này có thể lên đến 30 tỷ đồng và công việc phải được tiến hành trong nhiều năm.