Khi nào chúng ta lên Hoả Tinh sống?

Tưởng chừng chỉ tồn tại trên phim ảnh, giờ đây ý tưởng biến một hành tinh thành nơi con người có thể sống được đưa vào thảo luận ngày càng nhiều tại các chương trình khoa học.

Hỏa tinh thực sự là "ông hàng xóm khó ở”.

Hành tinh này có kích thước bằng khoảng 70% Trái Đất, bầu khí quyển chủ yếu là carbon dioxide (CO2), nhiệt độ trung bình -62 độ C. Vì bầu khí quyển quá mỏng (mỏng hơn Trái Đất gần 100 lần) không đủ để che chắn nên Hỏa tinh hầu như hứng toàn bộ bức xạ từ ánh sáng Mặt Trời.

Con người khó có thể sinh sống lâu dài dưới những điều kiện khắc nghiệt này. Để đặt nền móng sự sống ở đây, chúng ta phải cải tạo khí quyển của “người hàng xóm” dày lên, đồng thời tăng áp suất, thậm chí tạo ra bầu không khí có thể thở được.


Hỏa tinh có phải là nhà trong tương lai của chúng ta? (Ảnh: Cnet).

Từ va đập hành tinh đến nổ bom nguyên tử

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự sống, cư dân Hỏa tinh phải có khả năng tự cung tự cấp nhu yếu phẩm và nước. Đồng nghĩa, các vùng đất tại đây phải được cải tạo để ít nhất trồng được thực vật.

"Nếu thực sự nghiêm túc về khả năng sinh sống lâu dài của nhân loại trên Hỏa tinh, ít nhất chúng ta cũng đừng biến nó thành trailer park (những khu nhà di động, chi phí thấp tại Mỹ)", Giám đốc khoa sinh vật học tại Đại học Columbia Caleb Scharf cho biết.

Hầu hết ý tưởng hiện nay xoay quanh việc chúng ta sẽ phải đưa rất nhiều khí nhà kính vào khí quyển Hỏa tinh bằng cách giải phóng chúng từ đất và băng của hành tinh.

Năm 1993, hai nhà nghiên cứu Robert Zubrin và Chris McKay đã đưa ra vài giả thuyết về khả năng làm sống hành tinh đỏ. Một trong số đó là xây dựng những chiếc gương quỹ đạo khổng lồ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời đến Hỏa tinh. Điều này giúp tăng nhiệt độ hành tinh, tan chảy các lớp băng, từ đó giải phóng CO2 vào khí quyển.

Ngoài ra, con người có thể xây dựng các nhà máy bơm khí nhà kính nhân tạo vào khí quyển hành tinh. Chúng ta cũng có thể khai thác các tiểu hành tinh giàu amoniac bằng cách điều chỉnh chúng va thẳng vào Hỏa tinh.


Elon Musk là một trong những cái tên nổi bật với ý tưởng cải tạo Hỏa tinh. (Ảnh: Cnet).

Những ý tưởng táo bạo chưa dừng ở đó. Người sáng lập SpaceX Elon Musk từng công khai tuyên bố trên Twitter: “Nuke Mars”. Ông cho rằng nếu kích nổ những quả bom hạt nhân đặt khắp hai cực của hành tinh sẽ làm tan các tảng băng, giải phóng đủ lượng CO2 vào không khí, mang đến sự sống.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, biến Hỏa tinh thành nơi có sự sống vẫn là điều chưa thể. Rất nhiều khúc mắc vẫn chưa trả lời được: Làm thế nào để xây được “tấm gương khổng lồ” trong không gian? Làm thế nào để tiếp cận và chuyển hướng hàng nghìn tiểu hành tinh va vào Hỏa tinh? Làm thế nào để xây dựng được nhà máy trên hành tinh đỏ? Điều gì xảy ra khi chúng ta làm nổ các tảng băng trong khi khí sẽ đóng băng lại ngay lập tức?

Mong chờ công nghệ tương lai

Khi những câu hỏi trên dần đi vào ngõ cụt, NASA chuyển hướng tập trung vào những nhiệm vụ khác. Giới khoa học vẫn không ngừng tìm kiếm những phương thức khả quan nhất về việc đưa sự sống đến hành tinh này.

Theo Cnet, một nhà nghiên cứu đang tìm hiểu việc sử dụng aerogel tương tự cách sử dụng khí nhà kính. Aerogel là chất rắn có mật độ siêu thấp, siêu nhẹ và xốp, 99% là không khí. Đây cũng là chất cách điện tốt, NASA đã sử dụng hợp chất này cho các robot nghiên cứu Hỏa tinh. Một vài thí nghiệm cho nhiều tín hiệu lạc quan về chất rắn mới lạ này, tuy nhiên Aerogel cần thêm nhiều thời gian, cải tiến mới có thể đáp ứng được sứ mệnh chinh phục Hỏa tinh.


Aerogel lần đầu tiên được Samuel Stephens Kistler tạo ra vào năm 1931, kết quả của vụ đặt cược với Charles Learned về việc ai có thể thay thế chất lỏng trong "thạch" bằng chất khí mà không làm cho nó bị co rút lại. (Ảnh: Cnet).

Bên cạnh đó, xét đến khía cạnh đạo đức, liệu chúng ta thực sự có quyền làm điều đó? Thực tế, con người có thể phá hủy cả một hành tinh. Nhưng đó cũng là thứ làm nhân loại hủy diệt hầu hết sự sống trên Hỏa tinh mà loài người chưa có cơ hội lẫn khả năng khám phá, thậm chí nhiều di chỉ địa chất quan trọng của Hệ Mặt Trời cũng sẽ gặp thảm cảnh tương tự.

Nhà nghiên cứu Robert Zubrin dẫn chứng những gì xảy ra trong cuốn sách của Jules Verne “Từ Trái Đất đến Mặt Trăng” (1865) và “Bay vòng quanh Mặt Trăng” (1870), mô tả một con tàu được phóng lên Mặt Trăng. Thực tế, sự kiện tương tự đã diễn ra 100 năm sau - tàu vũ trụ Apollo 11 được phóng lên không gian vào ngày 16/7/1969, dấu mốc lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng.

Zubrin nhận định thực tế bất kỳ ai cũng có thể hiện thực hóa các giả thuyết về quá trình biến Hỏa tinh thành vùng đất sống được trong tương lai. Ông tin rằng trong 100 năm nữa, con người sẽ sở hữu những thành tựu công nghệ vượt bậc, tạo ra nhiều bước nhảy vọt về công nghệ sinh học, nanorobotics - những loài thực vật sinh học nhân tạo thải ra nhiều oxy hơn hết thảy sinh vật bình thường trên Trái Đất.

"Họ sẽ làm được", Zubrin nói.

Cập nhật: 17/03/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video