Khói nấu ăn có hại cho sức khỏe của bạn không?

Nấu ăn ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà theo những cách phức tạp và phương pháp tốt nhất để giữ an toàn là sử dụng hệ thống thông gió hiệu quả.

Con gái của Stephanie Holm tìm thấy một công thức làm bánh trên internet và 2 mẹ con bắt tay vào làm chúng trong nhà bếp. Họ cùng nhau trộn bột, cán mỏng, đặt bánh quy lên chảo và cho vào lò nướng. Holm là một chuyên gia y học môi trường tại San Francisco (Mỹ).

Tuy nhiên, khi bánh quy trong lò nướng, Holm nhận thấy rằng lớp phủ đường bị cháy. Sau đó, cô nhận thấy cảm biến đo chất lượng không khí để trong nhà chuyển từ màu xanh lá cây (chất lượng không khí tốt) sang màu tím (rất không tốt cho sức khỏe).

Chuyện xảy ra với những chiếc bánh quy của Holm không phải là hiếm gặp. Tất cả việc nấu nướng đều thải ra một hỗn hợp phức tạp các chất hóa học, một số trong đó được phân loại là chất gây ô nhiễm không tốt cho sức khỏe. Vậy việc nấu ăn có nguy hiểm cho sức khỏe không? Câu trả lời là nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhìn chung nếu có hệ thống thông gió tốt trong nhà thì mọi chuyện đều ổn.

Khói nấu ăn ảnh hưởng đến chất lượng không khí?


Nấu ăn giải phóng hỗn hợp hàng trăm hợp chất hóa học khác nhau vào không khí.

Delphine Farmer, một nhà hóa học khí quyển tại Đại học bang Colorado cho rằng việc nấu ăn giải phóng hỗn hợp hàng trăm hợp chất hóa học khác nhau vào không khí. Mỗi thành phần tạo ra sự pha trộn độc đáo của các hạt và khí. Protein trong thịt bị phân hủy và tạo ra amoniac. Việc rang đồ ăn có thể tạo ra isocyanates. Dầu từ quá trình chiên và áp chảo có thể bốc hơi. Các phân tử trong không khí có thể tiếp tục phản ứng và thay đổi khi chúng bay xung quanh nhà bếp rồi va vào nhau.

Farmet cho biết: 'Bạn có thể thấy một số hợp chất thật sự thú vị trong quá trình nấu ăn. Tuy nhiên chúng có ở mức độ độc hại không thì rất khó để giải thích và trả lời'.

Một phần của việc không chắc chắn khi nói đến ảnh hưởng sức khỏe của việc nấu ăn là hầu hết các nghiên cứu và tiêu chuẩn về chất lượng không khí đều dựa trên việc đo không khí ngoài trời, mặc dù con người dành tới 90% thời gian ở trong nhà. Trong khi Canada và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có các hướng dẫn về chất lượng không khí trong nhà thì Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới không có.

Theo kinh nghiệm của Holm, một số hoạt động như nấu ăn và dọp dẹp có thể gây ra những thay đổi đáng kể với không khí trong nhà. Mức độ ô nhiễm sẽ tăng đột biến trong nhà bếp khi quá trình nấu ăn đang diễn ra. Tuy nhiên, Holm cũng cho biết hiện chưa có dữ liệu về việc nấu ăn có ảnh hưởng thế nào với sức khỏe của con người.

Việc có được các số liệu về việc nấu ăn có ảnh hưởng đến chất lượng không khí hay không là điều không dễ dàng. Các biến số có thể ảnh hưởng đến khói nấu ăn gồm việc chúng ta nấu món gì, cách nấu ăn, loại thiết bị sử dụng, loại thông gió, loại nồi và chảo...

Hạt vật chất khi nấu ăn

Chất ô nhiễm chính được quan tâm liên quan đến nấu ăn là hạt vật chất (particulate matter). Thuật ngữ này để chỉ hỗn hợp phức tạp của các chất rắn cực nhỏ và các giọt chất lỏng siêu mịn có thể được tạo thành từ hàng trăm hợp chất hóa học khác nhau. Các hạt nhỏ hơn 10 micron (nhỏ hơn 1/5 chiều rộng của sợi tóc người) có thể đi vào phổi và trú ngụ tại đó. Ngay cả những hạt nhỏ hơn cũng có thể xâm nhập vào máu.

Hạt vật chất cũng chính là lý do khiến bạn không muốn hít phải khói. Holm cho biết việc tiếp xúc mãn tính với các hạt vật chất làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và cũng có thể khiến trẻ bị hen suyễn. Nó cũng liên quan đến những thay đổi trong quá trình tăng trưởng, trao đổi chất và phát triển não ở thời thơ ấu. Đồng thời, nó cũng được WHO phân loại là chất gây ung thư.


Bếp gas đặc biệt không tốt cho chất lượng không khí trong nhà.

Tất cả các hoạt động nấu nướng đều tạo ra một số hạt vật chất dưới dạng khí. Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi khét khi nấu ăn thì có thể bạn đang hít phải khá nhiều hạt vật chất. Iain Walker, một kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley của Mỹ cho rằng phương pháp nướng và chiên tạo ra nhiều hạt vật chất hơn so với luộc hoặc hấp và thực phẩm giàu chất béo cũng tạo ra nhiều hạt vật chất hơn rau xanh.

Bếp gas đặc biệt không tốt cho chất lượng không khí trong nhà. Chúng không chỉ tạo ra nhiều hạt vật chất hơn mà quá trình đột cháy nhiên liệu hóa thạch thực tế còn tạo ra các khí khác, chẳng hạn như carbon dioxide và nitrogen dioxide. Đặc biệt, nitrogen dioxide giống như vật chất dạng hạt góp phần gây ra các vấn đề về hô hấp như hen suyễn. Khí này cũng liên quan đến các vấn đề về tim và khiến người phơi nhiễm mãn tính giảm tuổi thọ.

Một nghiên cứu năm 2016 từ phóng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley cho thấy rằng chỉ cần đun sôi nước trên bếp ga sẽ tạo ra gần gấp đôi lượng nitrogen dioxide so với tiêu chuẩn ngoài trời của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ.

Vì vậy, nếu đang dùng bếp ga thì rất nhiều chuyên gia khuyên bạn nên đổi sang bếp điện nếu có đủ khả năng. Điều này không chỉ làm giảm tác động của carbon đến môi trường mà còn giúp không khí trong nhà trở nên trong lành hơn.

Trên thực tế, chúng ta thường sẽ nấu những gì bản thân thích và sử dụng loại bếp phù hợp với khả năng. Rất ít người chọn cách thay đổi để không khí trong nhà thân thiện hơn với sức khỏe.

Vì vậy, để giảm thiểu tác động của việc nấu ăn, các chuyên gia khuyên bạn nên có một hệ thống thông gió thật tốt trong nhà. Đồng thời, bạn nên sử dụng máy hút mùi trong nhà bếp bất kỳ khi nào có thể. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên bật chế độ thông gió khoảng 15 phút sau khi nấu ăn xong. Đó là khoảng thời gian để tất cả không khí trong phòng được thay thế.

Cập nhật: 20/07/2021 Theo VnReview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video