Mới đây một nhóm các nhà khoa học đến từ Trường Bách khoa kỹ thuật Liên bang Lausanne (EPFL), Thụy Sĩ đã công bố thử nghiệm thành công việc phục hồi các chi liệt trên loài chuột do chấn thương tủy sống bằng dự án mang tên NEUWalk.
>>> Cỗ máy hứa hẹn giải phóng người bị liệt
>>> Xe đua dành cho người bị liệt cột sống
Nhóm các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm trên những con chuột bị cắt đôi tủy sống ở giữa lưng khiến các tín hiệu điều khiển các chi được gửi đi từ não bộ hoàn toàn bị vô hiệu. Tại phần tủy sống bị gãy, các nhà khoa học cấy vào những điện cực linh hoạt. Nhiệm vụ của chúng là truyền các dòng điện kích thích phần tủy sống bị gãy, thay thế cho tín hiệu phát đi từ não.
Gregoire Courtine, nhà thần kinh học, kiêm trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn hai chi sau của chuột. Tự nó không thể kiểm soát các chi của mình sau khi bị gãy tủy sống. Tuy nhiên chúng tôi có thể kích thích và kích hoạt lại tủy sống bị gãy để nó có thể đi lại tự nhiên. Chúng tôi đã điều khiển được bước đi và cách nâng chân của chúng".
Đồng tác giả dự án, kỹ sư thần kinh học, Silvestro Micera cũng cho biết: "Việc khám phá thành công cách thức hoạt động của hệ thần kinh sẽ được khai thác hiệu quả vào việc phát triển công nghệ thần kinh nhân tạo. Chúng tôi tin rằng nó sẽ cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân khi phải đối mặt với chứng rối loạn thần kinh".
Được biết vào mùa hè năm sau, tháng 6/2015, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm lâm sàng trên con người. Họ dự định thử nghiệm trên những bệnh nhân bị chấn thương tủy sống. Công việc này sẽ được tiến hành tại phòng phòng thí nghiệm Glat Platform nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. Phòng thí nghiệm gồm có một máy chạy bộ cùng hệ thống hỗ trợ trên mặt đất, 14 camera hồng ngoại ghi nhận những dấu hiệu phản xạ trên cơ thể cùng 2 camera ghi lại những chuyển động của bệnh nhân.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đặt lại.