Một nghiên cứu quy mô lớn chứng minh rằng những chất độc hại trong không khí khiến nguy cơ sinh non ở phụ nữ tăng thêm tới 30%.
Phơi nhiễm những hóa chất độc trong không khí khiến nguy cơ sinh non
ở sản phụ tăng thêm 30%. (Ảnh: Telegraph).
Telegraph đưa tin các nhà khoa học của Đại học California tại Mỹ, theo dõi 100.000 ca sinh trong phạm vi bán kính 9 km xung quanh các trạm theo dõi không khí tại hạt Los Angeles, bang California, Mỹ. Quá trình theo dõi bắt đầu từ tháng 6/2004 và kéo dài 22 tháng.
Các chuyên gia sử dụng thông tin về ca sinh mà các quan chức y tế cung cấp, đồng thời phỏng vấn những sản phụ để tìm hiểu mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ sinh non. Kết quả cho thấy, những sản phụ phơi nhiễm với các chất độc hại nhất trong không khí có nguy cơ sinh non cao hơn 30% so với những sản phụ phơi nhiễm với không khí bình thường.
Mỗi hóa chất độc hại trong không khí làm tăng nguy cơ sinh non ở một mức độ khác nhau. Chẳng hạn, hóa chất do động cơ diesel thải ra làm tăng nguy thêm 10%, trong khi các hạt muối ammonium nitrate (NH4NO3) làm tăng nguy cơ thêm 21%.
Ammonium nitrate là loại muối kết tinh không màu được dùng để sản xuất phân bón, thuốc nổ và nhiên liệu tên lửa. Do được sinh ra từ chất gây ô nhiễm khác nên người ta gọi nó là chất ô nhiễm thứ cấp.
“Sự gia tăng nguy cơ sinh non do các hạt ammonium nitrate gây nên cho thấy những chất gây ô nhiễm thứ cấp cũng tác động tới sức khỏe của bào thai”, tiến sĩ Beate Ritz, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ ô nhiễm không khí trong mùa hè lớn hơn so với mùa đông, trong nội địa lớn hơn so với vùng gần bờ biển.
Trước đây giới khoa học đã biết không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ thiếu cân ở bào thai và trẻ sơ sinh.