Không khí ô nhiễm nặng nhất vào... sáng sớm

Các nhà khoa học cảnh báo những thành phố có ngành công nghiệp và giao thông vận tải phát triển, không khí buổi sớm không những không trong lành mà còn bị ô nhiễm rất nặng.

Giờ thể dục buổi sáng ở thành phố thường bắt đầu vào 5 giờ. Mọi người đổ ra các công viên, vỉa hè để tập thể dục, hoặc chạy bộ trên đường phố còn ít xe cộ qua lại, tranh thủ hít thở bầu không khí trong lành.

Cụ Nguyễn Văn Tiến, 76 tuổi, thường xuyên bách bộ quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội) mỗi sáng sớm, cho biết: “Tôi vận động cả nhà tập thể dục vào buổi sáng vì lúc đó ít người, ít phương tiện giao thông, không khí trong lành rất tốt cho sức khỏe”.

Bụi khói tại các TP công nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (Ảnh: Tienphong)

Tuy nhiên, nhận định của cụ Tiến cũng như nhiều người nói chung có thể sẽ phải thay đổi trong hoàn cảnh môi trường ngày càng xuống cấp ở mức báo động. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, tập thể dục buổi sớm ở khu đô thị có thể còn ảnh hưởng tới sức khỏe bởi thời điểm này không khí bị ô nhiễm nặng nhất.

PGS. TS Nguyễn Hữu Chiến, trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường và Tự nhiên - trường ĐH Cần Thơ, khẳng định: “Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm ở các khối không khí tầng thấp vào lúc nửa đêm và sáng sớm ở các khu đô thị, công nghiệp và nhất là đường giao thông có xe cộ qua lại nhiều”.

Theo TS Chiến, mức độ trong lành của không khí được quyết định bởi thành phần các chất trong không khí, nhất là những chất độc hại đối với cơ thể con người. Ban ngày, ánh nắng mặt trời làm nhiệt độ không khí tăng cao, khói thải của các nhà máy, xe cộ và bụi đất cát do các loại xe cuốn lên bay lơ lửng trong không khí. Khi mặt trời lặn, nhiệt độ không khí giảm dần. Qua một đêm, mặt đất mát hơn. Nhiệt lượng tỏa vào không trung cách mặt đất mấy trăm mét hình thành tầng không khí trên nóng dưới lạnh, giống như chiếc nồi úp xuống mặt đất.

Lúc này, khói thải của các nhà máy không thể bốc lên cao để tỏa vào tầng mây mà chỉ luẩn quẩn ở gần mặt đất với nồng độ mỗi lúc một đậm đặc. Nếu lúc này mặt đất càng lặng gió, mức độ ô nhiễm không khí càng tăng.

Vào mùa đông, những đợt có gió mùa đông bắc, hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm có thể khiến các chất ô nhiễm ở thời điểm này cao hơn ban ngày đến 2 – 3 lần. Hiện tượng này có thể kéo dài đến sáng sớm.

Đó là do nhiệt độ lớp không khí cách mặt đất vài trăm mét tăng theo độ cao, khác với diễn biến thông thường là nhiệt độ càng lên cao càng giảm. Trời ấm hơn vào ban ngày đốt nóng mặt đất, tối đến mặt đất vẫn còn ấm phát ra bức xạ hồng ngoại. Hơi nước và khí CO2 hấp thụ chúng làm cho không khí ấm lên và nhiệt độ không khí tăng theo độ cao cho đến vài trăm mét. Càng về khuya lớp nghịch nhiệt này càng dâng lên cao và có thể tan biến sau khi mặt trời mọc.

Vì thế các nhà khoa học khuyên dân cư các thành phố công nghiệp nên chuyển thời gian tập thể dục và rèn luyện cơ thể từ sáng sớm sang khoảng mười giờ sáng và ba giờ chiều là thích hợp nhất.

Mỹ Hằng

Theo quan trắc của Sở Tài nguyên – Môi trường và Nhà đất Hà Nội, môi trường không khí Hà Nội bị ô nhiễm bụi rất nặng, ô nhiễm các khí độc hại đã xảy ra cục bộ. Hiện thành phố có nồng độ bụi trung bình gấp 1,5 đến 3 lần tiêu chuẩn cho phép, trong đó các khu đô thị mới đang xây dựng và một số đường giao thông vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, nồng độ bụi gấp 7 - 10 lần.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có khảo sát cụ thể trong vòng 10 năm qua và cho thấy, tổng lượng bụi lơ lửng do công nghiệp và thủ công nghiệp gây ra chiếm tới 67%, do đường phố bẩn chiếm gần 30% và còn lại là do các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó các loại khí thải như đi-ô-xít sun-phua, các-bon đi-ô-xít, mê-tan… cũng khá cao và tăng dần theo từng năm.

Theo Tiền phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video