navigation

Không nên quá tin vào liệu pháp thụ tinh nhân tạo và Clomid

Tỷ lệ thành công của hai liệu pháp phổ biến dành cho những phụ nữ hiếm muộn con không khác biệt nhiều so với thụ thai tự nhiên, các chuyên gia y khoa Anh tuyên bố.

Ở nhiều nước, bác sĩ thường khuyên các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái sử dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (tinh trùng được đưa thẳng vào tử cung) và một loại thuốc kích thích rụng trứng sớm mang tên Clomid để giải quyết vấn đề. Theo thống kê, khoảng một phần ba số cặp vợ chồng trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc thụ thai vì nhiều lý do.

Thuốc Clomid. Ảnh: corbis.com.

Để tìm hiểu tác dụng của hai biện pháp phổ biến này, năm bệnh viện hàng đầu của Anh và Đại học Oxford đã tham gia vào một thử nghiệm với đối tượng là 580 phụ nữ người Scotland không có thai trong khoảng thời gian tối thiểu hai năm mặc dù sinh hoạt chăn gối đều đặn. Những người phụ nữ được chia thành ba nhóm, trong đó một nhóm chọn cách thụ thai tự nhiên, một nhóm chọn kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và một nhóm dùng thuốc Clomid.

Sau sáu tháng, nhóm nghiên cứu nhận thấy 101 người có thai. Trong số những người thụ thai tự nhiên, 17% có bầu. Với nhóm dùng thuốc Clomid và thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ thành công là 14% và 23% - không quá khác biệt so với nhóm thụ thai tự nhiên.

Một điều đáng chú ý là khoảng 10-20% phụ nữ trong nhóm dùng thuốc phải hứng chịu các tác dụng phụ như đau bụng, phồng da, mặt nóng bừng, buồn nôn và đau đầu. Clomid cũng làm tăng nguy cơ có thai đôi và thai ba, khiến thai phụ đối mặt với mức độ rủi ro lớn hơn so với những người có thai đơn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn khẳng định Clomid là liệu pháp hiệu quả đối với những phụ nữ có vấn đề với buồng trứng.

Theo Việt Linh - VnExpress (BBC)