Khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới

Chính phủ Myanmar tuyên bố nước này sẽ lập khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới để giúp loài động vật này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Thung lũng Hukaung ở Myanmar. (Nguồn: National Geographic)

Livescience cho biết, khu bảo tồn nói trên sẽ nằm trong thung lũng Hukaung ở phía tây bắc Myanmar. Trên thực tế, nó không phải là khu bảo tồn mới hoàn toàn, mà được thành lập dựa trên sự mở rộng của một khu bảo tồn cũ.

Thung lũng Hukaung có diện tích xấp xỉ 22.000 km2. Trước kia vài trăm con hổ sinh sống trong thung lũng. Nhưng hoạt động săn trộm và sự suy giảm của số lượng con mồi khiến số lượng hổ giảm xuống còn khoảng 50 con. Năm 2004, chính phủ Myanmar từng lập khu bảo tồn hổ có diện tích 6.500 km2 trong thung lũng Hukaung. Giờ đây, sau 6 năm, khu bảo tồn sẽ được mở rộng để đạt diện tích gấp ba lần như thế.

Quyết định mở rộng khu bảo tồn Hukaung được thông qua sau khi ông Thein Sein, Thủ tướng Myanmar, cùng 17 bộ trưởng bay tới thung lũng Hukaung hồi đầu năm nay để đánh giá tầm quan trọng của khu này đối với hoạt động bảo tồn động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

“Myanmar mang đến một trong những hy vọng lớn nhất trong nỗ lực cứu loài hổ ở khu vực Đông Nam Á. Việc mở rộng khu vực bảo tồn ở thung lũng Hukaung sẽ là một bước ngoặt trong hoạt động bảo vệ hổ”, Colin Poole, giám đốc Các chương trình châu Á của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên, phát biểu.

Thế giới chỉ còn khoảng gần 3.000 con hổ. (Nguồn: National Geographic)

Hiện nay số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn khoảng gần 3.000 con. Cách đây một thế kỷ khoảng 100.000 con hổ tung hoành trên thế giới. Những con hổ hoang dã hiện nay sống thành từng đàn nhỏ và phân bố ở những nơi biệt lập với thế giới bên ngoài. Tình trạng đó khiến chúng dễ mất mạng bởi hoạt động săn trộm và sự suy giảm của con mồi. Nhiều khu bảo tồn hổ đã được thành lập ở châu Á, như vườn quốc gia Karizanga của Ấn Độ.

“Tôi đã mơ về một sự kiện như thế này từ nhiều năm qua. Khu bảo tồn Hukaung sẽ là một trong những khu vực sinh sống quan trọng nhất của hổ trên thế giới. Tôi vui mừng vì người dân và chính phủ Myanmar hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn hổ”, Alan Rabinowitz, chủ tịch tổ chức bảo tồn Panthera, phát biểu. Panthera được thành lập với mục đích bảo vệ các loài động vật họ mèo.

Giới khoa học và các nhà bảo tồn tin rằng hổ sẽ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng và số lượng của chúng sẽ phục hồi nếu những hiểm họa lớn nhất đối với chúng bị xóa sổ. Những hiểm họa lớn nhất với hổ gồm hoạt động săn bắn và sự suy giảm của con mồi.

Ngoài hổ, khu bảo tồn Hukaung còn có thể bảo vệ nhiều loài sinh vật khác. Trong số 13.500 loài thực vật trên thế giới thì xấp xỉ 7.000 loài chỉ sống tại thung lũng Hukaung và không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Giới khoa học cũng tìm thấy gần 370 loài chim trong thung lũng, trong đó có loài niệc cổ hung sắp tuyệt chủng.

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video